Nhà kính, nhà lưới và tác động đến sức khỏe, môi trường (bài 1)

05:10, 30/10/2020

Việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị...

Việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Môi trường không khí bị ảnh hưởng vì nhà kính gần khu dân cư, người sản xuất lại sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nên ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và của chính lao động tham gia trực tiếp sản xuất.
 
Khu sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang
Khu sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang
 
Việc sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà lưới, nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng cùng loại canh tác truyền thống ngoài trời. Chính vì hiệu quả kinh tế cao nên người dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó sản xuất trong nhà kính, nhà lưới là một trong những giải pháp đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng, nhằm sản xuất các sản phẩm quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
 
Hơn 10 năm gần đây, Lâm Đồng trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho doanh thu bình quân trên diện tích đất canh tác từ 500 - 600 triệu đồng/ha, cá biệt có những diện tích đạt 5 - 6 tỷ đồng/ha/năm. Hiệu quả tích cực từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhà kính, nhà lưới thì hầu như ai cũng biết đến như con số doanh thu nêu ở trên. Mặt khác, còn giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng hệ số sử dụng đất, giảm áp lực thiếu lao động… Mặt tích cực của nhà kính còn tạo tiểu khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, chủ động ứng phó được với các điều kiện bất lợi của thời tiết trong canh tác; cho năng suất cao; chất lượng tốt; chủ động thời vụ; giảm chi phí vật tư nông nghiệp; tiết kiệm nước tưới; quản lý tốt sâu bệnh hại.
 
Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri và Nhân dân, của các chuyên gia, nhà khoa học và qua khảo sát mới đây của cơ quan Ủy ban  MTTQ tỉnh, thì mặt trái của việc phát triển ồ ạt nhà kính, nhà lưới cũng sẽ có những tác động tiêu cực nhất định. Đây là một vấn đề đáng cảnh báo và cho thấy sự cần thiết phải sớm ban hành quy chế, quy định cụ thể trong việc phát triển nhà kính, nhà lưới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, tiến tới ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
 
Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.200 ha đất nông nghiệp có nhà kính, nhà lưới. Tỷ lệ nhà kính, nhà lưới trung bình toàn tỉnh chiếm 2,36% diện tích canh tác. Trong đó, thành phố Đà Lạt chiếm 24,33% diện tích canh tác (chiếm 50% diện tích rau, hoa); Lạc Dương chiếm khoảng 11,8% diện tích canh tác (chiếm 44% diện tích rau, hoa); huyện Đơn Dương chiếm khoảng 11,52% và huyện Đức Trọng chiếm khoảng 1,17% diện tích đất canh tác.
 
Nhà kính, nhà lưới tại Đơn Dương đang được người dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Nhà kính, nhà lưới tại Đơn Dương đang được người dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
 
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, theo kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, từ ngày 15/7 đến 15/8/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Lạt tổ chức lấy phiếu trên địa bàn thành phố Đà Lạt với số lượng 1.000 phiếu đối với hộ sản xuất nông nghiệp có xây dựng nhà lưới, nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh lấy 100 phiếu đối với hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh lấy 100 phiếu đối với nhà quản lý, nhà khoa học.
 
Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh nhiều mặt tích cực thì có rất nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng, phát triển nhà lưới, nhà kính có tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường như: Hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ nóng lên; gây lũ lụt, ngập úng cục bộ; phá vỡ quy hoạch vốn có; xuất hiện việc san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên đất lâm nghiệp; khả năng thoát nước, thẩm thấu nước; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới nguồn nước, đất, không khí… ít có khoảng xanh, phá vỡ cảnh quan vốn có… Đa phần các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không có biện pháp để giảm thiểu tác động môi trường khi đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính. Hệ thống nhà lưới, nhà kính trên địa bàn hiện nay có hệ thống thoát nước nhưng không được tốt. Việc thu gom, xử lý rác thải gồm: ni lông, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, phế phẩm nông nghiệp… trên địa bàn chưa được tốt. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
 
Thực tế cho thấy vẫn còn những bất cập trong việc phát triển nhà lưới, nhà kính hiện nay, đó là thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu quy chuẩn kỹ thuật… Việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng tại các ao, hồ và lòng suối; sử dụng nhà kính quá mức đã làm phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đặc biệt, môi trường không khí bị ảnh hưởng vì vùng nhà kính gần khu dân cư, do người sản xuất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có tác dụng xông hơi.
 
Đa số các nhà kính chưa được quy hoạch đường giao thông nội đồng, chưa xây dựng hệ thống thu/thoát nước; trong khi nhiều nhà kính xây dựng tại những nơi có độ dốc cao, ven sông, suối, đã dẫn đến một số hệ lụy khi gặp phải mưa lớn liên tục gây tốc mái, sạt lở đất, ngập úng cục bộ… Đối với rác thải là bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được tiến hành thu gom về kho lưu chứa và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Vật liệu để làm nhà kính, nhà lưới bị thải bỏ sau sử dụng được người dân thu gom và bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Tuy nhiên, vấn đề này thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, thực hiện chưa tốt.
 
Trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt cho thu nhập cao hơn trồng theo phương pháp ngoài trời, tuy nhiên người dân nên lưu ý các yếu tố bảo vệ môi trường cảnh quan và bảo vệ sức khỏe cho con người
Trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt cho thu nhập cao hơn trồng theo phương pháp ngoài trời, tuy nhiên người dân nên lưu ý các yếu tố bảo vệ môi trường cảnh quan và bảo vệ sức khỏe cho con người
 
Trước thực trạng phát triển nhà kính quá mức kiểm soát, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị. Làm việc tại thành phố Đà Lạt về nội dung này, bà Lê Thị Xuân Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban  MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: Việc đoàn giám sát thực hiện nội dung này không hướng đến hạn chế sự phát triển của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà trên cơ sở giám sát của Nhân dân, chúng tôi có chương trình giám sát nhằm cùng các nhà quản lý, chính quyền địa phương xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế, để tìm hướng giải quyết và biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tham mưu, đề xuất nhiều ý kiến xác đáng trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành để hướng tới ban hành bộ quy chuẩn hợp lý về phát triển nhà kính, nhà lưới. Có lộ trình quy hoạch vùng sản xuất rõ rệt, hạn chế tác động đến cảnh quan, môi trường và vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho Nhân dân.  
 
Được biết, trong quá trình thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có phát triển nhà kính, nhà lưới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tạm thời tiêu chuẩn kỹ thuật nhà kính, nhà lưới, sản xuất rau hoa tại Lâm Đồng. UBND tỉnh cũng ban hành đơn giá xây dựng mới biệt thự, nhà ở, nhà kính để xác định tài sản… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
UBND thành phố Đà Lạt cũng đã phối hợp các sở, ngành và các đơn vị có liên quan đề xuất UBND tỉnh về chủ trương lập dự án quy hoạch phát triển sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao; UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập dự án quy hoạch phát triển sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 12/3/2014. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, gồm: Làng hoa Thái Phiên (Phường 12) với quy mô 150 ha chuyên sản xuất hoa cúc, hoa lily và Làng hoa Vạn Thành (Phường 5) với quy mô 158 ha chuyên sản xuất hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền đã và đang mở ra hướng phát triển bền vững.
 
NGUYỆT THU