Phụ nữ chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm

06:11, 19/11/2020

Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm đến cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân...

Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đến cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân. Thông qua các hoạt động vì ATTP đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe của gia đình, cộng đồng, cũng như vai trò của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn, phân biệt với bán như “rau hai luống, lợn hai chuồng”. 
 
Ni giới Lâm Đồng tham gia Liên hoan ẩm thực chay - Chương trình đồng hành cùng đảm bảo vệ sinh ATTP do Hội LHPN tỉnh tổ chức
Ni giới Lâm Đồng tham gia Liên hoan ẩm thực chay - Chương trình đồng hành cùng đảm bảo vệ sinh ATTP do Hội LHPN tỉnh tổ chức
 
Giai đoạn 2017 - 2020, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã mở 130 lớp tập huấn cho 21.674 cán bộ Hội về kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Riêng Hội LHPN tỉnh đã mở 11 lớp về một số kiến thức ATTP cho 960 cán bộ Hội các cấp, tuyên truyền viên ở cơ sở thực phẩm. Cấp phát gần 700 tờ rơi với một số nội dung như: Hướng dẫn lựa chọn một số thực phẩm thông thường, bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, bảo quản thực phẩm, những điều cần biết về phụ gia thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn, 10 tiêu chí về điều kiện đảm bảo ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố. 
 
Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực truyền thông cho 127.618 lượt hội viên, phụ nữ với một số nội dung như: Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Vận động 13.934 hội viên ký cam kết và giám sát tuân thủ quy định về ATTP; nói không với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”, “nói không với thực phẩm bẩn”; tích cực tham gia hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc nấm... 
 
Các nội dung tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, CLB, hái hoa dân chủ, tọa đàm, hội thảo về ATTP. Có 5/12 huyện, thành phố tổ chức Hội thi “Phụ nữ với ATTP”, “Đêm hội ẩm thực” gây quỹ tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết, hội thi “Phụ nữ với thực phẩm sạch, an toàn”, “Lễ hội bánh”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”... Các hoạt động trên đã thu hút hàng ngàn hội viên phụ nữ tham gia. Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thi “Bữa ăn an toàn” có 16 đội thuộc các huyện, thành phố và các đơn vị tham gia; thành lập và tập huấn cho HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Đà Loan (huyện Đức Trọng) về kỹ thuật và kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, bình đẳng giới trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản có 28 hộ gia đình tham gia; tổ chức Hội thảo “An toàn vệ sinh thực phẩm với sức khỏe phụ nữ và trẻ em”. 
 
Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn tổ chức Lễ phát động Chiến dịch “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương và nói không với bạo lực gia đình” đã thu hút 500 người tham gia. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng xây dựng chuyên mục về ATTP. Phối hợp với Phân Ban Ni giới Phật giáo tỉnh tổ chức Liên hoan ẩm thực chay đồng hành cùng vệ sinh ATTP trong Ni giới Phật giáo Lâm Đồng. Triển khai cuộc thi Ý tưởng truyền thông về ATTP, qua đó chọn 7 ý tưởng gửi về Trung ương Hội. 
 
Hội LHPN tỉnh triển khai chọn điểm xây dựng 2 mô hình “ATTP với thức ăn đường phố” chọn 2 tuyến đường Phan Đình Phùng (Phường 2) và đường Nhà Chung (Phường 3) xây dựng tuyến đường văn minh, sạch, đẹp, có thức ăn đường phố ATTP. Hội LHPN tỉnh còn hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 2 hộ kinh doanh có hoàn cảnh khó khăn để kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATTP, mỗi phương tiện sinh kế trị giá 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, tại các Hội cơ sở đã xây dựng và duy trì được 41 mô hình về ATTP.
 
Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát về ATTP được 22 đoàn, phối hợp tham gia giám sát được 159 đoàn, riêng Hội LHPN tỉnh đã chủ động tổ chức 1 đoàn. Hội tích cực tuyên truyền, vận động hộ gia đình áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm ATTP; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường; vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, ký cam kết và tuân thủ các quy định ATTP. Nhờ đó, ý thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như người dân về ATTP để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn triển khai mô hình được nâng lên rõ rệt.
 
AN NHIÊN