Tạo không gian mới cho cồng chiêng

06:12, 28/12/2020

Cồng chiêng chỉ thật sự sống trong không gian của lễ hội. Tạo dựng lễ hội là cách khả dĩ nhất để đưa những giá trị quá khứ của cồng chiêng đến gần hơn với đời sống đương đại.

Cồng chiêng chỉ thật sự sống trong không gian của lễ hội. Tạo dựng lễ hội là cách khả dĩ nhất để đưa những giá trị quá khứ của cồng chiêng đến gần hơn với đời sống đương đại.
 
Dân vũ và dân nhạc Tây Nguyên trong lễ hội
Dân vũ và dân nhạc Tây Nguyên trong lễ hội
 
Thực tế thì ở một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã biết tận dụng và khai thác tốt di sản văn hóa cồng chiêng, biến di sản văn hóa này trở thành tài sản thật sự của địa phương. Qua việc phục hồi, tái hiện các lễ hội truyền thống trong bối cảnh đương đại, các địa phương không những đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của người dân, còn đem lại hiệu quả thiết thực cho ngành du lịch và người dân địa phương. “Ngày nay, hình thái kinh tế, phương thức sản xuất, hệ tín ngưỡng cổ truyền, nhất là không gian cư trú của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã thay đổi, nên việc khôi phục đời sống cồng chiêng như trước đây là rất khó. Nhưng gìn giữ và bảo tồn loại hình di sản này là một việc làm hết sức cần thiết”, ông K’Nhiếp - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, chia sẻ.
 
Ông K’Nhiếp lý giải việc cần thiết phải duy trì sự tồn tại của lễ hội trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số, vì chỉ trong môi trường lễ hội các giá trị văn hóa tộc người mới nảy sinh và tồn tại, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ di sản văn hóa truyền thống. Một nguyên nhân nữa, nếu không phục dựng lại các lễ hội truyền thống, tạo không gian cho biểu diễn cồng chiêng, chắc chắn lễ hội đó sẽ bị thất truyền và làm tăng nguy cơ mất cả “không gian” lẫn “nghệ thuật” cồng chiêng, hai yếu tố cấu thành sự độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên. “Việc duy trì tổ chức lễ hội định kỳ sẽ khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp chủ nhân nền văn hóa ấy nhận ra các giá trị văn hóa nguồn cội. Từ đó, chủ nhân nền văn hóa sẽ ý thức hơn trong việc gìn giữ, rồi tìm cách phổ biến nó trong bối cảnh mới”, nghệ nhân cồng chiêng Điểu K’Hen, ngụ xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, nhấn mạnh.
 
Tuy vậy, một số ý kiến lại bày tỏ sự không đồng tình, khi cho rằng không gian và chủ nhân của lễ hội đã không còn thuần túy như trước kia, vì thế không nên phục dựng. Bởi phục dựng mà tách chủ nhân ra khỏi không gian nguyên thủy, mà dùng nghệ sĩ chuyên nghiệp thay thế chủ nhân, đấy là cách... phá lễ hội nhanh nhất. Chưa kể, lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều mang yếu tố tâm linh, vậy phục dựng nó bằng cách nào?
 
Qua những ý kiến như nêu ở trên cho thấy, cần có sự thấu hiểu và sẻ chia từ nhiều phía, cả chủ nhân lễ hội lẫn du khách tham gia, mới giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa phục dựng lễ hội truyền thống và kích cầu du lịch. Theo già làng K’Tếu, ngụ xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, lấy phục dựng lễ hội để phát triển du lịch chưa bao giờ là quan hệ đối kháng. Nó là mối quan hệ hỗ tương, cái này nhờ cái kia, cái kia nương cái này, song hành phát triển. Thực tế cũng chứng minh, văn hóa là một tiến trình vận động, một dòng chảy liên tục, có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, cũng như chọn lọc những yếu tố văn hóa không còn phù hợp để đào thải. Do đó, tuyệt đối hóa truyền thống, kêu gọi giữ nguyên bản sắc suy cho cùng chính là dựng rào cản sự tiến bộ, ngăn chặn sự tiếp nhận những thành tựu tiên tiến của thời đại. “Rõ ràng phục dựng, cải tiến, nâng cao những giá trị văn hóa truyền thống là một cách tự thay đổi, tự làm mới mình để thích ứng với thời đại sống. Nhờ sự tiếp cải đó mà di sản đến từ quá khứ nhưng không lạ lẫm với hiện tại”, già làng K’Tếu tâm sự. “Tôi vẫn luôn giữ quan điểm, nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn các giá trị văn hóa của di sản. Mà việc cần làm đầu tiên là phục dựng lại lễ hội, tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng, để những người trẻ Tây Nguyên biết lễ hội truyền thống gồm có những gì, diễn tiến ra sao, tâm linh thế nào. Phục dựng lại lễ hội còn là để quảng bá với du khách, để cho du khách thấy cái hay, cái đẹp, cái lạ của văn hóa Tây Nguyên, rồi cùng dự phần”, nghệ nhân cồng chiêng K’Brổh, ngụ xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tâm tình. “Còn về mặt quản lý, Nhà nước tổ chức khai thác, phát huy các mặt tích cực của lễ hội và hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh từ lễ hội”, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân K’Nhiếp nói thêm.
 
TRỊNH CHU