Nuôi ong mật theo hướng sinh học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:06, 14/06/2021

Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện mô hình nuôi ong mật an toàn theo hướng sinh học và bước đầu mang lại hiệu quả.

Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thực hiện mô hình nuôi ong mật an toàn theo hướng sinh học và bước đầu mang lại hiệu quả.
 
Mô hình nuôi ong mật cho người dân nguồn lãi ròng 50 - 80 triệu đồng/100 đàn/năm
Mô hình nuôi ong mật cho người dân nguồn lãi ròng 50 - 80 triệu đồng/100 đàn/năm
 
Ông Nguyễn Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình theo hướng phát huy thế mạnh của các sản phẩm có lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các chuỗi liên kết trong sản xuất từ khâu đầu vào đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt cho nông dân vùng đồng bào DTTS.
 
Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã phổ biến, hỗ trợ người dân đồng bào DTTS ở địa bàn thực hiện hàng loạt mô hình để phát triển kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong đó có mô hình nuôi mong mật an toàn theo hướng sinh học. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã cấp 105 thùng giống ong mật và 7 máy quay mật hỗ trợ cho nông dân vùng DTTS của thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn bà con chăn nuôi, thu hoạch mật ong theo hướng an toàn sinh học và giới thiệu cho bà con các đơn vị thu mua mật ong. Hiện chương trình này đang tiếp tục được mở rộng.
 
Cụ thể, tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), gia đình chị K’Dung là một trong những hộ đồng bào DTTS làm nghề nuôi ong. Đầu năm 2020, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ 80% vốn trong việc phát triển mô hình ong mật theo hướng an toàn sinh học. Đây là mô hình chăn nuôi bền vững, hiệu quả gắn với việc bảo vệ môi trường tại địa phương. 
 
Chị K’Dung cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ và số lượng ong xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay, gia đình có tổng cộng trên 200 đàn ong. Số lượng này bao gồm mô hình nuôi ong lấy mật và lấy sữa. Trước đây, vì chỉ nuôi ong lấy mật nên thường xuyên phải di chuyển, đưa ong đi lấy mật khắp nơi, rất vất vả. Từ năm ngoái, gia đình nhận được sự hỗ trợ nên chuyển qua nuôi ong lấy mật kết hợp lấy sữa. Mô hình này hiệu quả, lợi nhuận cao và cũng nhàn hạ hơn. Trong mùa hoa cà phê vừa qua, gia đình thu về hơn 2 tấn mật và bán sỉ với giá 60.000 đồng/kg, bán lẻ 90.000 - 100.000 đồng/kg”. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các kỹ sư, các nông hộ đã nắm rõ đặc điểm sinh học của ong, đồng thời biết cách chăm sóc, xử trí khi ong bị bệnh. Bên cạnh đó, người nông dân cũng nắm rõ từng mùa hoa, vùng hoa, nhất là hoa cà phê để chuẩn bị tốt nhất cho đàn ong lấy mật chất lượng cao và an toàn.
 
“Mô hình nuôi ong rất phù hợp với các nông hộ ít đất sản xuất và nhân công lao động”, Chị K’Dung khẳng định
 
Trung bình, chi phí đầu tư mỗi đàn ong (1 thùng) giống là 1 triệu đồng và một mô hình hiệu quả cần nuôi khoảng 70 đàn. Ghi nhận tại xã Đạ Đờn, hiện nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở địa phương muốn làm nghề nuôi ong nhưng vì chi phí đầu tư như vậy là quá cao nên họ “lực bất tòng tâm”. Tuy nhiên, từ hiệu quả thực tiễn tại hộ chị K’Dung, gần chục hộ khác ở địa phương đã quyết tâm học tập và bắt đầu chuyển hướng vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi ong. 
 
Ông Nguyễn Văn Tuận cho biết thêm, mô hình nuôi ong lấy mật theo hướng an toàn sinh học là mô hình hiệu quả. Đây cũng là mô hình cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS, đồng thời nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. 
 
Trong thời gian qua, Trung tâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng và người dân thực hiện mô hình với 7 hộ dân tham gia. Ngoài việc hỗ trợ vốn lên đến 80%, Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong hướng an toàn sinh học cho người thực hiện mô hình và những người có nhu cầu tìm hiểu, thực hiện. Với sự thích ứng và phát triển của đàn ong như hiện tại, các mô hình đạt năng suất bình quân từ 24 - 25 kg/đàn/năm, với mức giá hiện nay, dự kiến mỗi đàn ong sẽ cho thu nhập từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/năm. Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, mô hình nuôi ong mật hướng an toàn sinh học có thể áp dụng rộng rãi tại các vùng chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là mô hình hữu hiệu, cần nhân rộng ở địa phương, đặc biệt là tại các vùng đồng bào DTTS.
 
NGỌC NGÀ