Giúp người lầm lỡ sớm hòa nhập cộng đồng

05:10, 28/10/2022
Mô hình “Tổ công tác thăm gặp, vận động, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng” qua nhiều năm xây dựng tại huyện Đạ Tẻh vừa được Công an tỉnh kiểm tra đánh giá đem lại hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
 
Công an xã Đạ Lây (Đạ Tẻh) thăm một gia đình được Tổ công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống
Công an xã Đạ Lây (Đạ Tẻh) thăm một gia đình được Tổ công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống
 
Từ năm 2016, Công an huyện Đạ Tẻh xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” trong Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ với tên gọi “Tổ công tác thăm gặp, vận động, cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hòa nhập cộng đồng” triển khai đến 9/9 xã, thị trấn. 
 
Các mô hình này tại các xã, thị trấn do lực lượng công an chủ trì, đồng thời mời các đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Bí thư Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn làm thành viên. Tổ công tác vận động đối tượng tái hòa nhập cộng đồng có nhiệm vụ: Tham mưu cho UBND xã, thị trấn tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người đã chấp hành xong án phạt tù về lại địa phương. Phối hợp cùng Ban Nhân dân các thôn, tổ dân phố tiến hành thăm gặp, vận động, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng ra tù, đặc xá về địa phương; đối tượng đang thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; đối tượng đang chấp hành quyết định quản lý, giáo dục tại xã, cai nghiện tại cộng đồng sớm tái hòa nhập cộng đồng; đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật thuộc diện giáo dục, cảm hóa. Đồng thời, tuyên truyền, vận động gia đình, người thân của các đối tượng cùng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và thành viên Tổ công tác của mô hình trong việc giáo dục, giúp đỡ người thân trở thành người tốt, có ích cho xã hội. 
 
Hàng năm, Ban Chủ nhiệm mô hình tiến hành rà soát, thống kê số đối tượng thuộc diện quản lý trên địa bàn; nắm tình hình, khảo sát, đánh giá thực trạng đời sống, hoàn cảnh kinh tế, thái độ tâm lý, các mối quan hệ, quá trình hoạt động của đối tượng tái hòa nhập. Tổ chức phân công nhiệm vụ, bàn giao cụ thể số đối tượng cần vận động, giáo dục, quản lý cho từng ban, ngành, đoàn thể để tiến hành tiếp xúc, gặp gỡ gia đình và bản thân đối tượng nhằm tuyên truyền, vận động trực tiếp, tư vấn về pháp luật, vận động đối tượng tham gia vào các tổ chức đoàn thể để được hỗ trợ về tinh thần và nâng cao kiến thức về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Mô hình ghi nhận trong toàn huyện có 425 người thuộc đối tượng trong diện cảm hóa, giúp đỡ. Kết quả, đã tổ chức 2.521 lượt vận động, cảm hóa, giúp đỡ, qua đó đã cảm hóa, giúp đỡ, tiến bộ (không tái vi phạm pháp luật) được 386 đối tượng. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ tài chính cho 3 trường hợp với số tiền là 50 triệu đồng, giới thiệu việc làm cho hơn 100 trường hợp với những công việc phù hợp… Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp hội viên là người lầm lỗi về địa phương vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
 
Điển hình tại xã Đạ Lây đã xây dựng thành công Mô hình “Tổ công tác thăm gặp, vận động, cảm hoá giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hoà nhập cộng đồng”. So sánh thời điểm chưa thành lập mô hình, tình hình về trật tự an toàn xã hội còn có nhiều diễn biến phức tạp, từ năm 2012 đến năm 2016 xảy ra 62 vụ việc. Từ khi thành lập mô hình, đặc biệt là từ khi có lực lượng Công an xã chính quy đến nay, tình hình trật tự an toàn xã hội tại xã Đạ Lây được đảm bảo, số vụ việc phạm pháp hình sự giảm mạnh. 
 
Đến nay, mô hình đã đưa 38 đối tượng vào diện cảm hoá, giúp đỡ; trong đó, có 22 đối tượng thuộc diện chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, 8 đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng, 5 đối tượng thuộc diện giáo dục tại xã, 5 đối tượng thuộc diện cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, 1 đối tượng quản lý sau cai nghiện. Qua công tác thăm gặp đã có 23 đối tượng tiến bộ rõ rệt được đưa ra khỏi danh sách thăm gặp.
 
Mô hình “Tổ công tác thăm gặp, vận động, cảm hoá giúp đỡ đối tượng lầm lỗi sớm tái hoà nhập cộng đồng” đã góp phần thúc đẩy Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã Đạ Lây có bước phát triển mới theo hướng tự quản, tự phòng, tự hòa giải, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Quần chúng Nhân dân tin tưởng cung cấp cho lực lượng Công an xã nhiều nguồn tin quan trọng có liên quan đến ANTT, để từ đó góp phần giúp lực lượng công an điều tra làm rõ 100% các vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2022 đơn vị xã Đạ Lây được Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng tặng Giấy khen đã có thành tích trong xây dựng xã, phường, thị trấn điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
 
AN NHIÊN