Không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân

10:10, 14/10/2022
(LĐ online) - Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành thực hiện công điện của UBND tỉnh về việc chủ động triển khai, sẵn sàng ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh. 
 
Để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét và gió giật mạnh, để bảo vệ tính mạng của Nhân dân, Sở Y tế đề nghị giám đốc các đơn vị y tế trong toàn ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. 
 
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét và gió giật mạnh của đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch Covid-19, phòng chống sốt xuất huyết vừa đáp ứng tình huống thiên tai.
 
Triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, bảo vệ các cơ sở y tế; thực hiện chặt hạ, tỉa cành, mé nhánh những cây xanh có nguy cơ ngã đổ trong đơn vị… để đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra.
 
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét và gió giật mạnh gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, sạt lở dất.
 
Các đơn vị y tế tuyến tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho Nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
 
Trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét…), các cơ sở y tế cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tán người dân và kiểm tra các điểm tránh trú an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại các điểm sơ tán, nơi tập trung đông người phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương theo quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ.
 
Khi có sự cố bất thường về mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra, phải chỉ đạo, huy động các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời và báo cáo ngay về Sở Y tế.
 
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.
 
Triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
 
AN NHIÊN