Thầy cô tích cực, học trò ngoan giỏi ở trường học vùng sâu

DIỆP QUỲNH 06:20, 09/02/2023

Xa phố thị, thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất so với trường lớp vùng trung tâm, những trường học vùng sâu, vùng xa vẫn đang vươn lên mỗi ngày, tạo môi trường học tập tốt cho học trò. Với Trường Phổ thông trung học Nguyễn Huệ, huyện Di Linh, thầy cô tích cực, học trò ngoan giỏi luôn là mục tiêu thực hiện của cả thầy cô và học trò nhà trường.

Một buổi tập thể thao của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ
Một buổi tập thể thao của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ

Cô Trần Thị Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường, nguyên Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Nguyễn Huệ cũng là một trong những nhà giáo gắn bó nhiều năm với trường chia sẻ, Trường THPT Nguyễn Huệ thành lập vào năm 2005 với nhiệm vụ phổ cập chương trình THPT tiêu chuẩn cho con em 3 xã Tân Thượng, Tân Lâm và Đinh Trang Thượng của huyện Di Linh. Đóng chân trên địa bàn xã Tân Thượng khi ấy, ngôi trường mới thành lập vô cùng khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Qua 17 năm học, đội ngũ giáo viên, công nhân viên nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng mái Trường THPT Nguyễn Huệ như hôm nay. 

Khi mới thành lập, cô Trần Thị Hà nhớ lại, đường sá vào khu vực 3 xã còn rất khó khăn, đường chính là con đường cấp phối bụi mù vào mùa hè và lầy lội, bùn quấn vào mùa mưa. Cách xa trung tâm huyện, giáo viên của trường chủ yếu từ các địa phương khác tới nên việc ăn ở, đi lại càng thêm khó. Học trò chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhà cũng xa và đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa dài cao nguyên. Trường nghèo, trò nghèo, thầy cô vất vả, cả thầy cô và học trò Trường THPT Nguyễn Huệ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Từ những ngày đầu tiên, đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường đã xác định, nâng cao chất lượng dạy và học là nhiệm vụ quan trọng nhất. Với những học sinh vùng sâu, được đến trường là sự cố gắng không nhỏ của các em và gia đình. Vậy là thầy cô và học sinh cùng phấn đấu qua mỗi giờ dạy, giờ học. Thầy cô truyền lửa nhiệt tình qua từng bài giảng, học trò cố gắng học bài, làm bài. Cô Hà kể: “Hồi ấy khó khăn thực sự, đi đường vào mùa mưa là cả thử thách lớn. Nhiều trò nhà xa phải ra trung tâm xã trọ học cả tuần. Còn giáo viên cũng phải vượt đường, vượt mưa gió để ra trung tâm huyện, lên tỉnh đi học, nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu kiến thức thay đổi mỗi ngày. Vất vả là thế nhưng nhìn thành quả hôm nay, thầy cô và học trò của nhà trường đều rất vui mừng”.

Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Nguyễn Huệ có 17 lớp học với 595 học sinh, so với thời điểm cuối học kỳ I năm học 2021 - 2022 tăng 43 học sinh. Tổng số cán bộ giáo viên là 41, trong đó có 13 đảng viên. Với lực lượng cán bộ, giáo viên được đào tạo bài bản, nhà trường đã cung cấp kiến thức cho học trò xấp xỉ với các trường khu vực trung tâm. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt 100%, là một trong những trường có thành tích tốt trong đào tạo bậc học THPT. Qua mỗi năm, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ tham gia thi học sinh giỏi và cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đều tăng và đều giành giải. Năm học 2021 - 2022, học sinh của trường có 1 đề tài đoạt giải 3 Cuộc thi Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp; 3 em đoạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 học sinh đoạt huy chương Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh đỗ các trường cao đẳng, đại học, “tung cánh” vươn xa mỗi năm đều tăng, là lời tri ân đẹp nhất với nhà trường và thầy cô.

Để có được những thành tích ấy, cùng sự cố gắng của cán bộ, giáo viên nhà trường và sự vươn lên của tập thể học sinh, còn có sự hỗ trợ của Nhà nước và các trường học trong huyện, trong tỉnh. Công đoàn ngành Giáo dục cũng đồng hành với trường trong việc hỗ trợ giáo viên, học sinh nâng cao trình độ, cải thiện sinh hoạt. Thầy Nguyễn Văn Diệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Phong trào “Trường giúp trường” của Công đoàn ngành được triển khai tích cực và 3 trường THPT trên địa bàn Di Linh vừa đóng góp, đồng hành cùng nhà trường sửa chữa lại khu nhà công vụ đã xuống cấp. Đây là khu nhà được xây dựng từ năm 2006, khi trường mới thành lập, là chỗ ở cho cán bộ, giáo viên ở xa về làm việc tại trường. Sau nhiều năm, khu nhà quá xuống cấp và sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đã giúp nơi đây được sửa chữa khang trang, sạch đẹp. Không chỉ thế, giếng nước do Công đoàn ngành tặng trường cũng là món quà quý. Đất cao nguyên khô, khoan tới cả trăm mét cũng chưa chắc có mạch nước. Hàng chục năm ròng, thầy và trò đều phải gánh nước, bơm nước nhờ từ những hộ dân có giếng phục vụ dạy và học cũng như các sinh hoạt khác. May mắn, giếng nước của Công đoàn sau nhiều mũi khoan thử nghiệm đã tìm đúng mạch nước, giúp thầy cô và học trò nhà trường có nguồn nước sạch sử dụng, nhất là giữa thời điểm mùa khô cao nguyên khắc nghiệt. Sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tình yêu nghề, yêu trò, sự cố gắng vươn lên của những cô bé, cậu bé vùng sâu đã giúp Trường THPT Nguyễn Huệ có được bộ mặt rạng rỡ như ngày hôm nay.