Những bất cập từ y tế cơ sở, y tế dự phòng

NGUYỆT THU 06:02, 20/03/2023

Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do đây là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, nên vai trò của trạm y tế xã là vô cùng lớn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn rất nhiều bất cập trong hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo từ Trung ương tới địa phương.

Số lượng dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại một số trạm y tế xã còn chưa cao, thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu
Số lượng dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại một số trạm y tế xã còn chưa cao, thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu

Lâm Đồng hiện có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp tại 142 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Ghi nhận từ thực tế tại các huyện, trung tâm y tế, trạm y tế tại cơ sở cho thấy dù còn nhiều khó khăn nhưng các trạm y tế cơ sở vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; không chỉ đảm bảo chăm lo sức khỏe cho Nhân dân, thông qua việc thăm khám, cán bộ y tế cơ sở còn góp phần giúp bà con xóa bỏ hủ tục tại các thôn, buôn, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Hiện nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, đội ngũ nhân lực y tế cơ sở cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn; trung tâm y tế các huyện, thành phố đã được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác y tế dự phòng, công tác chẩn đoán và điều trị, từng bước đạt chuẩn danh mục trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Dù vậy, qua khảo sát thực tế và thực hiện chương trình giám sát y tế cơ sở vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng nhận thấy: Nguồn lực và quản lý y tế còn hạn chế, nhiều năm chưa có đầu tư đáng kể cho y tế cơ sở, nhân lực thiếu, trình độ hạn chế, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích hoạt động. Hệ quả là người dân ít sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, dẫn đến tình trạng vượt tuyến gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên, tăng chi phí cho chăm sóc sức khỏe.

Mặt khác, khó khăn, tồn tại trong chính sách, pháp luật về y tế cơ sở là số lượng người làm việc tuyến huyện chưa được giao đủ theo định mức quy định; có những biến động nhất định về số người làm việc; cơ cấu chất lượng chuyên môn tuyến huyện còn thiếu nhân lực có trình độ chuyên khoa; đối với trạm y tế cấp xã, số người làm việc, số lượng bác sỹ đang có xu hướng giảm. Số lượng dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại trạm y tế xã còn chưa cao, thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ của cán bộ y tế tuyến xã còn hạn chế, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo... 

Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu là do chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế còn nhiều bất cập; địa phương chưa có chính sách hiệu quả để thu hút được bác sỹ, cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, giữ chân cũng như thu hút được lực lượng cán bộ y tế về làm việc tại trạm, nhất là các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn. Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện Lâm Đồng chưa có đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở của giai đoạn hiện nay. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Huỳnh Thị Phương Duyên cho biết: Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đến nay, cán bộ, viên chức y tế phải chịu cường độ làm việc lớn, hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt là do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành Y tế. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề mức 40% còn thấp so với các lĩnh vực khác. Về cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế dự phòng, định mức phân bổ từ nguồn ngân sách nhà nước tính theo dân số theo nghị quyết của HĐND tỉnh có tăng; về số tuyệt đối cho thấy chi cho y tế dự phòng so với ngân sách nhà nước cho y tế có tăng nhưng không nhiều, còn về tỷ lệ thì giảm qua từng năm (từ 29,22% vào 2018 còn 20,96% vào năm 2022).

Qua thực tế giám sát, Đoàn Giám sát Đoàn ĐBQH đã lắng nghe, ghi nhận những khó khăn, bất cập và có kiến nghị: Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường giám sát, đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực y tế, y tế dự phòng, an sinh xã hội. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội Luật Y tế dự phòng; sửa đổi, bổ sung các Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác có liên quan nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch và đại dịch, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Có cơ chế, chính sách động viên, thu hút, giữ chân nhân lực của ngành Y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiếu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên phân bổ cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội. 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Sau giám sát, Đoàn sẽ có văn bản đề nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu, xây dựng, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách thu hút và giữ chân nhân viên y tế tại tuyến huyện, tuyến xã. Sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã trong giai đoạn mới thay thế cho bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2011-2020 được ban hành theo Quyết định 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế. Đối với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần xem xét sớm ban hành những chính sách đặc thù của địa phương để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở y tế công, giữ chân bác sỹ, nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở. Xây dựng trình HĐND tỉnh thông qua đề án nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở tại tỉnh Lâm Đồng, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, từ y sỹ đang công tác tại tuyến huyện, tuyến xã học liên thông lên bác sỹ; đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng...