Tập trung phòng, ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi

CHÍNH PHONG 05:59, 15/03/2023

Đầu năm 2023, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa bàn được kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh một số bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục,... Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai tích cực biện pháp phòng, chống, tăng cường tiêm phòng theo kế hoạch, kết hợp tuyên truyền sâu rộng làm công tác chủ đạo nhằm giảm thiểu tối đa dịch bệnh do các điều kiện bất lợi mang lại.

Người dân địa phương cần tăng cường phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò
Người dân địa phương cần tăng cường phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không xảy ra dịch bệnh đối với đàn gia cầm. Trên đàn gia súc phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ tháng 4 đến tháng 7, làm 214 con lợn mắc bệnh/18 hộ/9 thôn/5 xã, thị trấn/3 huyện (Đạ Huoai, Đam Rông và Đức Trọng). Số chết và tiêu hủy là 214 con, trọng lượng 8.436 kg. Từ đầu năm 2023 tới nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, không phát hiện dịch bệnh nguy hiểm. Số lợn mắc bệnh DTLCP đã phát hiện và tiêu huỷ 97 con tại huyện Cát Tiên và qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Hiện nay, địa bàn tỉnh có gần 1.400 trang trại chăn nuôi, trong đó, 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại quy mô vừa, 872 trang trại quy mô nhỏ và hơn 28.000 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tổng đàn vật nuôi tính đến tháng 12/2022 trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 11,5 triệu con, bao gồm: Gia súc 581.545 con, trong đó 13.620 con trâu, 99.700 con bò (bò sữa 25.080 con, bò thịt 74.620 con); 455.000 con lợn; 13.220 con dê; 125.665 đàn ong mật; trứng giống tằm 347.825 hộp. Gia cầm 10.890 ngàn con.

Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo, trong thời gian tới, chăn nuôi cơ bản vẫn duy trì và phát triển ổn định. Địa phương xác định bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, kén tằm, cá nước lạnh vẫn là đối tượng vật nuôi chủ lực. Với phương thức chuyển đổi dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi hữu cơ an toàn thân thiện với con người,… đang được các cơ quan chức năng khuyến khích, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi. 

Đối với chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường. Về chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng cao, liên kết tạo chuỗi giá trị ngành Chăn nuôi nhằm giảm chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. 

Theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch trong các tháng đầu năm năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian tới, nguy cơ một số dịch bệnh trên đàn vật nuôi như viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, kể cả DTLCP có thể vẫn còn xảy ra do các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, gặp điều kiện thuận lợi tấn công xâm nhiễm làm phát sinh dịch bệnh. 
Bên cạnh đó là việc chưa bố trí vắc xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn. Các nguyên nhân khác như thời tiết thay đổi thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương có lúc chưa triệt để. Đối với bệnh viêm da nổi cục đường truyền thường lây đa dạng, phức tạp, đặc biệt lây lan thông qua các véc tơ truyền bệnh, hay như điều kiện các cơ sở chăn nuôi nông hộ, vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế, sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chưa áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Văn Châu thông tin, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sớm bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023. Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh nhằm tạo môi trường chăn nuôi an toàn và ngăn chặn sự lây nhiễm dịch bệnh. Cụ thể là phấn đấu 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn diện tiêm. Riêng đối với bệnh viêm da nổi cục trâu, bò tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn và bệnh dại đạt trên 70% tổng đàn. Bên cạnh đó, sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống thú y các cấp để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.