Agribank Lâm Đồng gia tăng tiện ích không dùng tiền mặt

NHẬT QUÂN 02:27, 21/04/2023

Agribank Lâm Đồng vừa tổ chức ra quân cung cấp mã VIETQR đến khách hàng của Agribank Lâm Đồng trên địa bàn TP Đà Lạt, nhằm tuyên truyền về các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, quảng bá các sản phẩm dịch vụ của Agribank và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách quét mã QR Code.

Agribank ra quân cung cấp mã VietQR thanh toán bằng quét mã QR Code
Agribank ra quân cung cấp mã VietQR thanh toán bằng quét mã QR Code

Đây là tiện ích mới nhất cung cấp đến khách hàng của Agribank Lâm Đồng các mã QR Code đã được in sẵn vào các bảng nhựa và hướng dẫn khách hàng sử dụng; góp phần phát triển, gia tăng tiện ích dịch vụ, tính hiện đại và tăng cường trải nghiệm cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua mã VietQR. Đây cũng là tiện ích thiết thực, có ý nghĩa và góp phần vào việc phát triển hoạt động kinh doanh tại Agribank Lâm Đồng.

Đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thói quen không dùng tiền mặt, tăng nguồn thu từ số dư tiền gửi của đơn vị, tạo cơ sở phát triển thu dịch vụ ổn định, bền vững cho những năm tiếp theo là mục tiêu Agribank nói chung và Agribank Lâm Đồng nói riêng đang hướng đến và tích cực khuyến khích khách hàng; đáp ứng nhu cầu phục vụ là nâng cao tính năng thanh toán, đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, giúp giảm bớt các thao tác cũng như tránh gõ sai tài khoản dẫn đến chuyển khoản nhầm, giảm thiểu rủi ro rất lớn cho khách hàng. 

Đặc biệt, hình thức thanh toán qua mã VietQR phù hợp với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề: phòng mạch bác sỹ, cửa hàng bán thuốc, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, shop bán hàng, nhà hàng, khách sạn, quán café, khu du lịch, xe taxi, các hộ kinh doanh, tiểu thương, cửa hàng xăng, dầu, spa, salon tóc, điện lực, Công ty Cấp thoát nước, VNPT… Tuy nhiên, tất cả các khách hàng đang mở tài khoản tại Agribank đều có thể tạo mã VietQR.

Cùng với việc thanh toán bằng quét mã QR Code, Agribank Lâm Đồng đã phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ với các chức năng, tiện ích mới không dùng tiền mặt trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking; các sản phẩm bảo an tín dụng với số tiền bảo hiểm tối đa 500 triệu đồng; kết nối thanh toán thẻ với ví điện tử, sản phẩm thẻ Lộc Việt; thỏa thuận hợp tác với VNPT và VNPOST; thanh toán hóa đơn liên ngân hàng qua hệ thống IBFT, ACH... Đẩy mạnh triển khai dịch vụ nhắn tin OTT biến động số dư trên ứng dụng E-Mobile Banking; sản phẩm Lộc Việt, dịch vụ E-Banking đối với khách hàng là tổ chức... Triển khai chương trình phân loại khách hàng; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn phục vụ khách hàng.

Agribank Lâm Đồng tiếp tục phối hợp, mở rộng liên kết với các đối tác nhằm đẩy mạnh dịch vụ thu hộ (thanh toán hóa đơn viện phí của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; thu hộ học phí với các trường học trên địa bàn qua Công ty Cổ phần Misa; thu học phí, phát hành thẻ cho sinh viên mới của Trường Đại học Đà Lạt, Trường Cao đẳng Đà Lạt); phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác; rà soát, đánh giá các chương trình hợp tác đã ký kết, các chương trình tiếp thị, khuyến mại triển khai trong năm 2022 để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả, đồng thời, làm căn cứ xây dựng kế hoạch năm 2023.

Agribank Lâm Đồng cũng thực hiện ký kết hợp đồng đại lý cơ sở phát triển dịch vụ với Công ty CP Chứng khoán Agribank - chứng khoán miền Trung và triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ FWD. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tiếp nhận, điều chuyển lắp đặt và đưa vào vận hành các ADM/CDM tại chi nhánh TP Đà Lạt, Lâm Hà và Đam Rông. Thực hiện tốt công tác bảo trì ATM theo thông báo của trung tâm thẻ Agribank…

Năm 2022, chỉ tiêu thu dịch vụ của Agribank Lâm Đồng hoàn thành vượt mức kế hoạch (108,7%), tỷ lệ tăng trưởng 16,85%, xây dựng được chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng. Năm 2023, cùng với các chỉ tiêu hoạt động dịch vụ khác, Agribank Lâm Đồng tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, như ngân hàng điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn...