Nỗ lực vươn lên của một phụ nữ vùng xa

HƯƠNG LY 01:14, 24/05/2023

Mong muốn góp phần nâng cao vị thế kinh tế của người phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Bon Jrang K’Yem, trú tại thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã từng bước thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm; từ đó, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị K’Yem mang lại nguồn thu nhập ổn định
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị K’Yem mang lại nguồn thu nhập ổn định

Dưới cái nắng trưa oi ả của vùng đất từng được coi là “rốn nghèo” của Đam Rông, chúng tôi bắt gặp chị Bon Jrang K’Yem vẫn còn thoăn thoắt giàn kén lên nong. Cái nóng hầm hập nơi đây khiến đôi mắt chúng tôi nhòe đi, nhưng niềm vui và sự phấn khởi ngập tràn trong đáy mắt của chị Bon Jrang K’Yem thì vẫn luôn sáng bừng. Chị K’Yem quan niệm, bản thân có nhận thức, có được sức khỏe và môi trường để tăng gia sản xuất thì phải quyết tâm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng. Thay vào đó, là mạnh dạn với những nếp nghĩ mới, cách làm hay để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Chị K’Yem chia sẻ, Đạ Tông bấy giờ vốn là một xã thuần nông, tập quán canh tác vẫn còn lạc hậu nên không riêng gì gia đình chị, mà đa số đời sống người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà nản lòng, gia đình chị K’Yem tích cực chăm chỉ lao động sản xuất, đồng thời, luôn chủ động học tập các mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế mới. Đến nay, hơn một thập kỉ đã trôi qua, những thất bại ban đầu từ trồng lúa, trồng điều, trồng ca cao dưới tán điều… đều đã trở thành các bài học, kinh nghiệm quý báu cho chị làm bàn đạp từng bước tiến đến thành công với mô hình kinh tế tổng hợp.

“Nhờ sự khuyến khích, vận động nhiệt tình của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là 50 triệu đồng trong hai năm nay để góp phần đầu tư mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Hiện nay, gia đình đang chăn nuôi 5 con bò, 20 con heo; trong đó, đàn heo có 7 - 8 con nái, 1 con heo đực rừng để phối giống. Trung bình, tùy theo từng lứa sinh sản, 2 - 3 tháng có thể xuất bán với giá 2 - 3 triệu đồng/một cặp heo con. Bên cạnh đó, về trồng trọt, gia đình có 5 sào cà phê và 4 sào trồng dâu nuôi tằm. Riêng đối với trồng dâu, nuôi tằm, một năm nuôi được 2 - 3 vụ, trung bình một đợt 15 ngày có thể thu được 1 hộp tằm, với giá 180.000 đồng - 230.000 đồng/kg kén. Ngoài ra, gia đình chúng tôi cũng đang tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm và làm rượu cần. Nhờ đó, thu nhập trung bình của gia đình từ 500 đến 600 triệu đồng/năm”, chị K’Yem nói.

Cùng với tập trung nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, chị K’Yem còn là một hội viên phụ nữ cốt cán trong các phong trào thi đua của thôn, xã. Với mong muốn có thể đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, chị cùng chồng là anh Cil Nếu đã tích cực đề xuất với chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Liêng Trang 1 do anh Cil Nếu làm chủ nhiệm. Đến nay, sau một thời gian đi vào hoạt động, câu lạc bộ đã có trên 30 thành viên hăng hái tham gia và hoạt động sôi nổi. Đây chính là lực lượng nòng cốt tham gia biểu diễn trong các phong trào văn hóa của địa phương. Thời gian tới, Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Liêng Trang 1 sẽ chủ động tiến tới hợp đồng biểu diễn phục vụ khách du lịch, góp phần giữ gìn các bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời, giúp các thành viên có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo chị Rơ Yam K’Khim - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Tông, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ý chí khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã; phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội luôn trên đà phát triển, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như vì mục tiêu bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, chị Bon Jrang K’Yem là một tấm gương sáng, điển hình cho thái độ sống lạc quan, chăm chỉ đã trở thành niềm tự hào và nguồn động lực trong việc hun đúc bản tính cần cù, chịu khó của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần động viên các chị em có thêm sức mạnh, nghị lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.