Xây dựng các tour, tuyến điểm du lịch - nhìn từ Đà Lạt

02:01, 31/01/2013

Những năm gần đây, quy mô khách đến và doanh thu xã hội về du lịch ở thành phố này ngày càng tăng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh du lịch của Đà Lạt vẫn chưa tương xứng đối với một nơi được mệnh danh là “thành phố du lịch”.

Những năm gần đây, quy mô khách đến và doanh thu xã hội về du lịch ở thành phố này ngày càng tăng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh du lịch của Đà Lạt vẫn chưa tương xứng đối với một nơi được mệnh danh là “thành phố du lịch”, nhất là việc khai thác các tour, tuyến điểm du lịch còn hạn chế. Vì vậy, việc hình thành và khai thác các tour, tuyến điểm du lịch mới để thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt, nhằm góp phần phát triển ngành du lịch ở Đà Lạt đang là việc làm hết sức cần thiết.

Đà Lạt nổi tiếng với nhiều điểm du lịch sinh thái
Đà Lạt nổi tiếng với nhiều điểm du lịch sinh thái


Đà Lạt là vùng có nhiều tiềm năng mang tính thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển du lịch. Trong đó, có các thế mạnh về phát triển các tour, tuyến điểm du lịch gắn với các loại hình du lịch mang tính đặc trưng của khu vực Tây Nguyên như du lịch tham quan dã ngoại, du lịch sinh thái - văn hoá, du lịch nghiên cứu học hỏi, du lịch MICE, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sự kiện, du lịch vui chơi giải trí và mua sắm… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được chú trọng với nội dung, hình thức đa dạng và phong phú. Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước đã có những tác dụng nhất định, góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Lạt – Lâm Đồng. Theo thống kê của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, mức độ tăng trưởng về các chỉ số phát triển du lịch ở Đà Lạt – Lâm Đồng có cao, nhưng thiếu ổn định qua các năm (nhất là liên quan đến lượng khách du lịch quốc tế). Nếu như năm 2000, lượng khách du lịch đến với Đà Lạt là 710 ngàn lượt, trong đó, khách quốc tế chỉ khoảng 69 ngàn lượt, còn lại là khách nội địa, thì năm 2003, trong 1.150 ngàn lượt khách đến Đà Lạt, chỉ có 65 ngàn lượt khách quốc tế; còn năm 2005, với số lượng khách du lịch là hơn 1.560 ngàn lượt thì có 100 ngàn lượt là khách quốc tế và năm 2006 thì chỉ 97 ngàn lượt khách quốc tế trong tổng số 1.848 ngàn lượt khách đến với Đà Lạt và đến năm 2012, trong tổng số 3.937 ngàn lượt khách, có 200 ngàn lượt là khách quốc tế. Nguyên nhân chính là các sản phẩm du lịch (nhất là các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm và về mùa mưa) ở Đà Lạt còn nghèo nàn, tài nguyên du lịch ở nhiều nơi bị suy thoái và ô nhiễm. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chưa cao và sản phẩm du lịch chưa được làm mới, vẫn chỉ là khai thác các tour, tuyến điểm du lịch cũ nằm trong phạm vi thành phố, chưa mở rộng ra các vùng lân cận. Đặc biệt, chưa hình thành các tour, tuyến điểm du lịch mới và kết nối với các tour, tuyến điểm du lịch với các trung tâm du lịch quan trọng của cả nước và trong khu vực.

Mặc dù có sự tăng trưởng cao, song vị thế của ngành du lịch ở Đà Lạt – Lâm Đồng so với cả nước vẫn còn khiêm tốn. Hoạt động kinh doanh du lịch vẫn dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên sẵn có, nên sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là các hoạt động mang tính dã ngoại như tham quan các danh lam thắng cảnh về mặt tự nhiên và các công trình kiến trúc, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Do vậy, để khai thác có hiệu quả và hợp lý các tiềm năng sẵn có thì việc xây dựng các tour, tuyến điểm du lịch mới là điều cần thiết. Trong đó, tập trung vào định hướng và phát triển các tour, tuyến điểm du lịch mới theo không gian phân bố, dựa trên các hệ thống đường giao thông vận tải, theo sự phân bố tài nguyên du lịch và theo định hướng quy hoạch các khu điểm du lịch mới. Đặc biệt là phát triển các tour, tuyến điểm mới bên ngoài Đà Lạt như tour, tuyến điểm du lịch nối kết với con đường xanh Tây Nguyên, con đường di sản miền Trung và nối kết với bên ngoài bằng đường ô tô và đường hàng không; các tour du lịch theo chuyên đề như du lịch MICE; du lịch buôn làng với các làng nghề truyền thống ở Lạc Dương, Bảo Lộc, Bảo Lâm; du lịch sinh thái – tham quan các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng; du lịch nghỉ dưỡng ở suối nước nóng Đam Rông; du lịch khám phá mạo hiểm ở rừng quốc gia Cát Tiên… Như vậy, có thể nhận thấy rằng, Đà Lạt là vùng đất có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nếu được đầu tư và khai thác hợp lý, nhất là khai thác các tour, tuyến điểm du lịch để thu hút khách thì sẽ góp phần nhanh chóng đưa Đà Lạt – Lâm Đồng trở thành một trung tâm du lịch có tầm vóc ở khu vực và trên thế giới.

Hà Linh