Góc ngái ngủ của Paris

05:08, 21/08/2013

Tôi muốn nói đến Xanh Clu (Saint Cloud), một thành phố vệ tinh của Paris, ngay bờ bên kia sông Xen mà từ đó cuốc bộ đến tháp Ap-phen chừng 1 tiếng đồng hồ.

Nói đến Paris người ta nghĩ ngay đến tháp Áp-phen (Eiffel), biểu tượng của kinh đô ánh sáng thế giới, muốn đến thăm nhà thờ Đức Bà (Notre Dame), bảo tàng Luvơ (Louvre) hoặc đi thuyền trên sông Xen (Seine) vốn được coi là trái tim thành phố để ngắm những cây cầu cổ kính nối liền hai bờ. Chí ít cũng sải bộ trên bờ sông, la cà vào những quán sách cũ hoặc xem các họa sĩ vẽ tranh bán dạo... Thế nhưng, Paris còn những chỗ hay ho khác mà khách vãng lai ít đặt chân tới.

Tôi muốn nói đến Xanh Clu (Saint Cloud), một thành phố vệ tinh của Paris, ngay bờ bên kia sông Xen mà từ đó cuốc bộ đến tháp Ap-phen chừng 1 tiếng đồng hồ. Dân Paris gọi thành phố phía tây xinh xắn này là "góc ngái ngủ" của họ. Từ Paris nhìn sang ta thấy phế tích của lâu đài Xanh Clu được xây dựng từ thế kỷ 17. Khi vua Luis XIV đặt phiến đá đầu tiên thì phía bờ Paris còn có những đoàn người kéo thuyền ngược sông Seine. Sau 400 năm, thời gian và chiến tranh chỉ còn lại con đường lát đá và những bức tường vĩnh cửu với những pho tượng tuyệt mỹ soi bóng dưới hồ nước tròn như chiếc gương khổng lồ. Thảm cỏ rộng hàng trăm mét trải dài từ chân núi lên đỉnh qua những bậc thang có hồ nước. Hai bên thảm cỏ là hàng cây dẻ cổ thụ được cắt xén, tỉa tót. Từ mỗi hồ nước hình tròn ở các băng bậc thang có con đường đi sang hai bên xuyên vào rừng. Đây là vườn đặc trưng kiểu Pháp do nhà làm vườn Le Nôtre cũng là bạn của nhà vua sáng tạo ra. Đặt nhà vào cảnh quan thiên nhiên, ngược với vườn phương Đông, thu nhỏ thiên nhiên đưa vào nhà. Du khách có quyền ngồi thư giãn trên thảm cỏ xanh êm dịu và ngắm Paris toàn cảnh.

Thanh thản trên công viên
Thanh thản trên công viên


Xanh Clu có 30 ngàn dân, nằm gọn trên mấy quả đồi, đi dạo vài giờ đồng hồ là hết phố. Cột đèn đường cong là biểu tượng, lô gô của nó. Chẳng có công xưởng, nhà máy hay những siêu thị tấp nập, chỉ thấy trường học, tu viện, nhà thờ, bảo tàng và thư viện. Những con đường nhỏ thân thương len lỏi vào rừng cây, hai bên san sát biệt thự cổ, hàng rào đầy hoa và cửa đóng im ỉm suốt ngày. Phố vắng teo như sáng mồng một Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Xe con nối đuôi nhau đậu trên vỉa hè hoặc lặng lẽ thành dòng dưới lòng đường, di động theo đèn xanh đỏ như trò chơi điện tử của trẻ nhỏ. Bến xe buýt kê 1 ghế gỗ đã thừa, xe thường dừng lại 30 giây, nhả, nhận một vài người khách rồi chuyển bánh. Phố xá không một tiếng động, trừ còi xe cứu thương gióng lên thi thoảng. Dân địa phương ra đường quen mặt nhau. Trước cổng vài ngôi nhà có gắn biển nhỏ chừng hai bàn tay bằng sứ hoặc kim loại đã hoen gỉ với dòng chữ: Nơi đây nhà văn, họa sĩ hoặc nhà soạn nhạc gì đó đã sống từ năm nào đến năm nào. Chữ nhỏ nhưng rõ, có ý ghi nhận mà không phô trương, tò mò mới đọc được.

Hẻm phố
Hẻm phố


Vài chung cư nhỏ mới xây có sân vườn khá rộng. Trong khi trẻ con chơi xích đu, bập bênh... thì người già ngồi lặng lẽ phơi nắng hoặc thiu thiu ngủ dưới tán bạch dương râm mát. Đời sống chậm, yên bình trôi lặng lẽ.

Xanh Clu ngái ngủ... Cứ để nó ngái ngủ! Những người lãnh đạo thành phố Paris và Saint Cloud thích vậy. Nhất định không cho nhịp sống công nghiệp, dịch vụ hiện đại, hối hả, cấp tập đầy áp lực đánh thức nó

Chu Bá Nam