Đến Đà Lạt, vào biệt điện xem mộc bản triều Nguyễn

02:12, 27/12/2013

(LĐ online) - 34.619 tấm mộc bản đang được lưu giữ tại biệt điện Trần Lệ Xuân, nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, là những thông điệp khẳng định chủ quyền Việt Nam của ông cha (trong đó có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa), về chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010, về truyền thuyết con rồng cháu tiên và cả những câu chuyện thâm cung bí sử ...

(LĐ online) - 34.619 tấm mộc bản đang được lưu giữ tại biệt điện Trần Lệ Xuân, nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, là những thông điệp khẳng định chủ quyền Việt Nam của ông cha (trong đó có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa), về chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010, về truyền thuyết con rồng cháu tiên và cả những câu chuyện thâm cung bí sử ...
 
Cắt băng khai mạc''Không gian Mộc bản Triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới'
Cắt băng khai mạc ''Không gian Mộc bản Triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới"

 Khu biệt điện của vợ chồng ông cố cấn Ngô Đình Nhu và Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân (Chính quyền ngụy Sài Gòn) gồm ba biệt thự: Lam Ngọc (nơi nghỉ mát cuối tuần và là nơi sinh hoạt chính của ông bà cố vấn), Bạch Ngọc (Nơi nghỉ mát của gia đình Trần Lệ Xuân và tướng tá chính quyền Ngụy Sài Gòn), Hồng Ngọc (nơi bà Trần Lệ Xuân xây tặng cho bố đẻ của mình - Luật sư Trần Văn Chương khi ông đang làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ).

 
"Không gian mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới và "Đà Lạt - Lâm Đồng qua các thời kỳ", một trong các chương trình hưởng ứng của Tuần Văn hóa Du lịch Lâm Đồng 2013 đã chính thức được mở cửa đón khách thăm quan tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, sáng 27/12.
 
Mộc bản triều Nguyễn cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới và đưa vào chương trình "Ký ức nhân loại" từ 30/7/2009.
 
Không gian chính trưng bày mộc bản triều Nguyễn tại TTLTQG IV được đặt tại biệt thự Lam Ngọc, nơi nghỉ mát cuối tuần của vợ chồng ông cố vấn chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân. Khu biệt thự được xây dựng năm 1958 trên diện tích 13.000m 2 với phòng làm việc, hội họp, khiêu vũ, chiêu đãi, hồ bơi nước nóng, vọng đài, vườn hoa Nhật Bản và một hồ sen được thiết kế theo hình dáng bản đồ Việt Nam.
Ở đây, từng viên gạch lát nền, từng tấm kính chịu lực, từng miếng gỗ ốp trần, hay đến căn hầm trú ẩn được làm bằng thép chịu lực cao (và cũng được phỏng đoán có đường dẫn thoát ra sân bay Cam Ly) ... đều thể hiện sự xa hoa, lộng lẫy của cặp đôi quyền lực nhất chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ. 
 
Năm 1963, chế độ trị vì độc tài của gia đình họ Ngô kết thúc sau cuộc đảo chính của đám sĩ quan trẻ được sự hậu thuẫn của Nhà trắng, thì khu biệt điện này được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên.
 
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, nơi đây được gìn giữ như là tài sản quốc gia và đến năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư trên 50 tỷ đồng nâng cấp biệt điện để thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
Tất cả các tư liệu lịch sử, quý giá như hồ sơ, tư liệu, châu bản và đặc biệt là những tấm mộc bản triều Nguyễn đều được chuyển vào Đà Lạt sau khi ông Vua bù nhìn Bảo Đại chọn thành phố này làm đất Hoàng triều cương thổ.
 
Đến nay, những sắc lệnh, tờ trình về việc vận chuyển kho tư liệu quý giá này cũng còn được lưu lại: Ngày 16/06/1960 - ...12 nhân công và 140 kilos giây kẽm gai cột để tiện vận chuyển bằng xe lửa và GMC. Tổng số mộc bản là 15.045 tấm được xếp thành 2.058 bó...
 
Phiên bản Mộc bản khắc về Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Phiên bản Mộc bản khắc về Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
 
Những tấm mộc bản ngoài việc lưu lại những tư liệu quý giá về lịch sử, chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật. Phần lớn, mộc bản được khắc trên các loại gỗ có màu trắng, nhẹ và có thớ mịn, ít mối mọt như táo, lê, thị, đặc biệt là gỗ cây nha đồng có màu như ngà voi, bởi bàn tay tài hoa của những người thợ bậc nhất lúc bấy giờ. 
 
Mộc bản triều Nguyễn được chia làm 9 chủ đề chính, phong phú về thể loại trên nền ba bộ chữ Trân, Triện và Thảo, gồm: Lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xa hội, văn hóa - giáo dục.
 
Qua những tấm mộc bản, xuyên suốt chiều dài lịch sử 4.000 ngàn năm của dân tộc được dựng lại gần như đầy đủ, trọn vẹn. Từ truyền thuyết về Hùng Vương, Thánh Gióng đến chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010; từ bài thơ Nam quốc sơn hà đến chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam; Từ sắc lệnh chuyển mộc bản từ Thăng Long về Huế để tu bổ của vua Thiệu Trị đến chiếu ban xử tội Hoàng tử Miên Phú, Đề đốc Nguyễn Văn Phượng của vua Minh Mạng ...
 
Đặc biệt, trong số mộc bản còn được lưu giữ tại TTLTQG IV còn có những bộ sách cực kỳ quý giá như Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), Đại Nam nhất thống chí và tác phẩm đồ sộ Đại Nam thực lục được biên soạn trong 88 năm, từ 1821 -1909.
 
 
Về Đà Lạt (không chỉ trong mùa lễ hội), đến biệt điện xa hoa, lộng lẫy một thời của Đệ nhất phu nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa Trần Lệ Xuân để được ngắm mộc bản triều Nguyễn, được lắng nghe thông điệp của ông cha và thấy những điều kỳ diệu. Sống trong không gian đậm đặc văn hóa ấy, cũng là cách để chúng ta, thế hệ cháu con ngưỡng vọng tiền nhân, thêm tôn trọng những giá trị, truyền thống quý báu được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của lớp lớp thế hệ con rồng cháu tiên trên dải đất hình chữ S.
 
Tuấn Linh - Văn Báu