Tháp Nhạn - con mắt Tuy Hòa

08:11, 13/11/2014

Đứng ở đâu trong thành phố Tuy Hòa cũng có thể nhìn thấy Tháp Nhạn và đứng dưới chân Tháp Nhạn có thể nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, đặc biệt là các danh thắng, công trình tiểu biểu của Tuy Hòa - Phú Yên, như: núi Chóp Chài ở hướng tây bắc, các cây cầu bắc qua sông Đà Rằng ở hướng đông - đông nam, xa hơn là núi Đá Bia… 

Đứng ở đâu trong thành phố Tuy Hòa cũng có thể nhìn thấy Tháp Nhạn và đứng dưới chân Tháp Nhạn có thể nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, đặc biệt là các danh thắng, công trình tiểu biểu của Tuy Hòa - Phú Yên, như: núi Chóp Chài ở hướng tây bắc, các cây cầu bắc qua sông Đà Rằng ở hướng đông - đông nam, xa hơn là núi Đá Bia… 
 
Linga trên đỉnh Tháp Nhạn
Linga trên đỉnh Tháp Nhạn
 
Tháp Nhạn được người Chăm xây dựng vào thế kỷ 11; nhưng có sử viết, tháp được dựng lên vào thời chúa Nguyễn Hoàng (khoảng 1578 - 1580)… Tháp Nhạn là tháp đơn lớn nhất nằm trong kho tàng nghệ thuật kiến trúc Tháp Chăm (Chàm) độc đáo của người Champa cổ trên dải đất miền Trung, niên đại trong khoảng từ thế kỷ XI - XVI. “Nhạn” không phải là một cái tên Chăm, mà do người dân địa phương đặt, có thể vì tháp tọa lạc trên núi Nhạn. Còn tại sao gọi là núi Nhạn, thì theo cách lý giải của người Phú Yên là nhìn từ xa, núi Nhạn rất giống hình con chim nhạn đang khum mình chuẩn bị bay lên; cũng có một cách giải thích khác, là ngày xưa, ở trên núi này có nhiều chim hạc, người dân địa phương đọc chệch là Nhạn. Núi Nhạn cao hơn 100m, tọa lạc ở Phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
 
Tháp Nhạn được xây dựng ở độ cao 64m, có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10m, chiều cao 23,5m. Kiến trúc của Tháp Nhạn gồm ba phần có tỉ lệ cân đối, đặc trưng của Tháp Chăm, gồm: đế, thân và mái, mà theo quan niệm của người Chăm, đó là: trần tục, tâm linh và thần linh. Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá phiến nguyên tảng được điêu khắc công phu. Như đa số các Tháp Chăm, cửa và mặt chính của Tháp Nhạn quay về hướng đông. Đây là hướng của thần thánh, của sự sinh sôi nảy nở. Phần trên cửa xây cuốn tạo hình vòm, trụ và xà ngang của cửa là khối đá vôi mềm. Ba mặt tường còn lại đều có trang trí hoa văn và tạo hình các cửa giả. 
 
Vật liệu xây dựng tháp chủ yếu bằng gạch nung với nhiều kích cỡ tùy theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp, nhiều nhất là loại gạch dài 40cm, rộng 20cm, dày 8cm, được xếp nối liền khít nhau, không thấy vật liệu kết dính giữa các lớp gạch, nhưng rất vững chắc. Những hàng gạch bên trên lùi vào một chút so với hàng gạch bên dưới khiến cho tháp càng lên cao càng thu nhỏ lại cho đến đỉnh tháp. Ở phần mái, bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả... 
 
Bên trong tháp, tường được xây thẳng dần lên cao và thu nhỏ dần, tạo thành hình chóp nón. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí, chỉ có một vài họa tiết hoa văn hình rồng được chạm khắc cách điệu bằng đá hoa cương đặt bên ngoài góc tháp. Chân tháp được gắn ốp đá sa thạch. Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đã tạo cho Tháp Nhạn một dáng vẻ vừa vững chãi, vừa thanh thoát - tinh tế, toát lên vẻ đẹp cổ kính, vừa trang nghiêm vừa tĩnh lặng. 
 
Trong lòng tháp có điện thờ thánh mẫu của vùng đất Phú Yên. Tương truyền, bà chúa được coi là có công khai sáng người Chăm - Thiên Y A Na - dạy phép tắc, lễ nghi và cả những việc như cày cấy, kéo sợi, dệt vải... để người dân biết cách mưu sinh. Trong thời kỳ chống Pháp (1945 - 1954), Tháp Nhạn bị nhiều trận pháo kích làm cho đỉnh tháp và 3 góc tháp bị đổ. Cuối năm 1960, chính quyền tỉnh Phú Yên cho tu bổ tháp, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp... Trải qua biến động và thời gian, tháp bị hư hại, phần lớn không còn đủ thành phần ban đầu; tuy nhiên, những hoa văn trên thành tháp vẫn còn sắc nét, thể hiện trình độ kiến trúc độc đáo của người xưa và vẫn còn ẩn chứa những điều huyền bí.
 
Các công trình nghiên cứu cho biết, ở núi Nhạn xưa kia từng có một quần thể kiến trúc Champa rất lớn. Nhưng đến nay, chỉ còn lại công trình Tháp Nhạn và một tảng đá dưới chân núi Nhạn về phía tây nam, ven bờ sông Chùa có chiều cao 1,3m, mỗi cạnh rộng 0,9m, dưới chân có chạm hình cánh sen, trên khắc 3 chữ cổ (dạng chữ Phạn) thường gặp ở các tấm bia trụ cột trong các tháp Chăm. Ở phía đông - đông nam của núi Nhạn, có ngôi chùa Hàm Long, sau đổi tên là Kim Long tự, được vua Bảo Đại năm thứ 5 ban sắc tứ, nằm khuất dưới tán cây cổ thụ, tựa lưng vào vách núi đá lớn. Bên cạnh chùa có một cái hang, đường kính khoảng 3m xuyên vào lòng núi và thông ra bờ sông. Người xưa cho đó là hàm của rồng nên đặt tên chùa là Hàm Long. Đến nay, cửa hang đã bị đất đá lấp mất. 
 
Nhiều địa điểm khác trên núi Nhạn có thể tìm thấy các lô cốt, tuyến hầm hào được sử dụng trong chiến tranh. Xung quanh Tháp Nhạn hiện nay là quần thể thực vật với hơn 400 loài đang được lưu giữ và nghiên cứu. Núi Nhạn và Tháp Nhạn là địa danh lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, chứng kiến mọi thăng trầm, gian khó, ác liệt và đổi thay của vùng đất Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung…
 
Lê Hoa