Đồi trà B'Lao - địa chỉ tìm đến

03:12, 28/12/2014

(LĐ online) - Trong một buổi sáng tinh khôi và mát lành nào đó, bạn đến xứ sở này, đeo gùi lên rẫy, tai lắng nghe sự giao cảm của đất trời, nuốt trọn hương trà dịu nhẹ thuần khiết ép chặt vào buồng phổi, miệng nhấm nháp từng đọt trà chát ngọt ... quên đi những lo toan bộn bề, bỏ lại sau lưng áo cơm thường nhật, bạn chắc chắn sẽ là người hạnh phúc.

(LĐ online) - Trong một buổi sáng tinh khôi và mát lành nào đó, bạn đến xứ sở này, đeo gùi lên rẫy, tai lắng nghe sự giao cảm của đất trời, nuốt trọn hương trà dịu nhẹ thuần khiết ép chặt vào buồng phổi, miệng nhấm nháp từng đọt trà chát ngọt ... quên đi những lo toan bộn bề, bỏ lại sau lưng áo cơm thường nhật, bạn chắc chắn sẽ là người hạnh phúc.
 
Các tour du lịch khi đến với Nam Tây Nguyên thường bỏ qua điều hấp dẫn một cách đáng tiếc, đó là phần lớn du khách chỉ là dừng chân ghé thăm. Chính điều này đã khiến lịch sử, văn hóa của vùng trà B’Lao gần như chỉ là khái niệm “thoáng qua” đối với rất nhiều người.
 
Alcateza người Tây Ban Nha và Pez Nielsen người Đan Mạch cho rằng mình là người hạnh phúc khi được đặt chân đến mảnh đất tuyệt đẹp B’Lao
Alcateza người Tây Ban Nha và Pez Nielsen người Đan Mạch cho rằng mình là người hạnh phúc khi được đặt chân đến mảnh đất tuyệt đẹp B’Lao
 
Tp. Bảo Lộc nằm giữa cung đường du lịch “huyết mạch” nối Đà Lạt với Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ; đây có thể nói là điểm dừng chân lý tưởng cho một chuyến hành trình dài trước khi đến với thiên đường rau, hoa Đà Lạt. Với nhiều du khách, dừng chân ở Bảo Lộc, ghé một điểm thăm quan nào đó, thưởng thức một ly trà ướp hương hoa sói, lài, sen ... nức tiếng, gần như là tất cả những gì họ cảm nhận và hiểu được về xứ trà này. Có lẽ cái thương hiệu Đà Lạt quá nổi tiếng đã hút bước chân họ về phía ấy ngay lập tức, mà chẳng có thời gian đủ dài, để dừng lại lâu hơn, để có được cảm nhận rất riêng về mảnh đất này.
 
Phía sau những ly trà ngọt ấm, nồng nàn ấy là lịch sử của cả một vùng đất, là lịch sử của cây trà gần trọn một thế kỷ cắm rễ trên bình nguyên B’Lao.
 
Người B’Lao xem ly trà là sự khởi đầu của tất cả câu chuyện; sáng – trưa – chiều – tối, nhịp sống diễn ra quanh ly trà; cách họ uống trà cũng từ tốn, nhã nhặn, dù có thể đó chỉ là một ly trà đá giải khát vào mỗi buổi trưa; khoan thai và đĩnh đạc, chậm rãi và tao nhã, cách uống ấy như là để tri ân về trà, loài cây đã đánh thức cho miền đất đỏ phồn sinh này.
 
Trong tour đến với Bảo Lộc của các công ty dịch vụ du lịch lữ hành lớn mời chào nhan nhản trên mạng, phần lớn Bảo Lộc chỉ là điểm dừng chân, nếu ở lại thì tour dành cho trà cũng chỉ dừng lại ở phần xem kỹ năng pha trà, sau đó thưởng thức, hoặc đi ngang qua đồi trà nào đó, dừng trong thời gian ngắn để chụp hình lưu niệm.  
 
Nếu như Đà Lạt đã được định danh trong bất kỳ cuốn Tour guide – book (sách hướng dẫn du lịch) của các công ty du lịch, thì Bảo Lộc với nhiều danh thắng, đặc biệt là thăm quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất được mệnh danh là “vương quốc trà” lại chưa có được điều đó. Một trong những chương trình hấp dẫn du khách nhất hiện nay khi đến với Đà Lạt, chính là được khoác lên mình “chiếc áo” nông dân, tự tay xuống vườn trồng rau, hoa, dây tây và thu hoạch sản phẩm về làm lưu niệm. Tương tự, trong mỗi buổi sớm mai, được lên đồi trà cùng nông dân, tự tay hái những đọt búp tươi, mang về sao chế làm ra những sản phẩm trà thơm ngon, bổ dưỡng lại chưa được các tour du lịch khai thác triệt để. Đây là một điều đáng tiếc!
 
Pez Nielsen – người Đan Mạch và Alcateza – người Tây Ban Nha là hai trong số du khách ngoại quốc ít ỏi tôi gặp được trên những đồi chè giáp ranh khu vực xã Lộc Tân (Bảo Lâm) và Damb’ri (Bảo Lộc) nói với tôi rằng, họ thật sự cảm thấy hạnh phúc khi được đặt chân đến một vùng đất tuyệt đẹp như thế này.
 
Pez Nielsen chia sẻ: “Ở Đan Mạch không có trà của Việt Nam, nhưng sau chuyến đi này, tôi sẽ mang thật nhiều trà của Bảo Lộc về làm quà và sẽ giới thiệu cho bạn bè của tôi ở Đan Mạch biết, đây thực sự là một loại trà hoàn hảo, rất ngon, rất ngon”, anh nhắc đi nhắc lại.
 
Với Alcateza, anh nói: “Bạn thấy đây, tôi có thể hái những búp trà tươi cho lên miệng ăn ngay mà không sợ điều gì. Tôi là một người làm du lịch nên chỉ cần nhìn lá trà là tôi biết có hóa chất hay không. Mặt hàng trà của Bảo Lộc sẽ là điều tôi nghĩ trong hướng kinh doanh sắp tới của mình tại Tây Ban Nha”.
 
Trà Bảo Lộc với thương hiệu B’Lao có chiều dài gần trọn một thế kỷ. Bảo Lộc với nhiều ngày có mù sương huyền ảo, có lượng mưa rải khá đều trong năm; là mảnh đất phồn sinh với sự đa dạng về văn hóa của rất nhiều dân tộc Việt Nam; đáng là nơi để chúng ta dừng chân, để lại phía sau những lo toan mệt nhoài, lấy lại năng lượng cuộc sống. 
 
Tuấn Linh – Văn Báu