Trải nghiệm du lịch cộng đồng Đất Mũi

05:01, 14/01/2015

Đến Đất Mũi Cà Mau, du khách không những được đặt chân lên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia, mà còn được hòa mình vào cuộc sống bình dị của người dân nơi đây qua mô hình du lịch cộng đồng.

Đến Đất Mũi Cà Mau, du khách không những được đặt chân lên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia, mà còn được hòa mình vào cuộc sống bình dị của người dân nơi đây qua mô hình du lịch cộng đồng.
 
Với vẻ đẹp hoang sơ và nhiều ưu đãi do thiên nhiên ban tặng, người dân Đất Mũi Cà Mau đã bắt đầu biết đến mô hình làm du lịch cộng đồng từ gần 10 năm trước. Hộ anh Trần Văn Hưởng - chị Nguyễn Thị Sợ tuy không phải là người gốc Đất Mũi, nhưng anh chị chọn mảnh đất này là quê hương thứ hai cách đây mấy chục năm. Vì vậy, anh chị thân thuộc hết những loại cây, rau, con… của vùng đất này như người bản địa. Khi mà du lịch cộng đồng còn xa lạ với nhiều người dân nơi đây, anh Hưởng chị Sợ đã mạnh dạn xin nhận 7ha rừng và vuông nước để vừa làm vườn chim đón khách tham quan, vừa nuôi trồng thủy sản. Được địa phương đầu tư xây cho một cái tháp ngắm chim, anh chị liền tu sửa lại nhà cửa để thuận tiện trong việc đón khách. Mới đầu, khách chỉ đến vào buổi chiều tà để ngắm chim, khi mà từng đàn chim rủ nhau bay về đậu kín khu vườn tràm sau nhà, dần dà, anh chị nhận đặt ăn cho khách bằng những đặc sản có ngay trong vườn nhà. Rồi khi khách có nhu cầu ở lại, anh Hưởng lại dành riêng 4 phòng để khách được trải nghiệm cuộc sống nơi đây. 
 
Du khách tự tay mình kéo lên những chú cua Cà Mau đỏ dặm khi đi thuyền trong vuông
Du khách tự tay mình kéo lên những chú cua Cà Mau đỏ dặm
khi đi thuyền trong vuông
 
Ngồi trên thuyền tham quan một vòng trong vuông, du khách được tận tay kéo những chiếc bẫy cua lên. Những chú cua Cà Mau đỏ dặm, gạch nhiều và ngọt nổi tiếng cả nước bò ngang dọc, nếu con cua nào chưa đủ trọng lượng sẽ được thả xuống lại đợi cho lớn mới bắt; rồi thò tay xuống bùn moi lên những con vọp, những con sò huyết nặng trịch. Thú nhất vẫn là “hái” ốc len, bởi những chú ốc len cứ “đu mình” trên các cành cây, ngồi trên thuyền lướt ngang qua chỉ việc đưa tay lên nhẹ nhàng gỡ xuống. Không biết có phải do nước “ngậm” nhiều phù sa hay không mà ốc len ở Đất Mũi béo căng, ngọt lịm hơn so với những nơi khác. Những chùm giác (nho rừng) xanh tròn xen lẫn với chín tím thẫm rủ xuống trước mặt, nhưng với kinh nghiệm của người địa phương, trái giác xanh chưa qua chế biến sẽ gây ngứa ngáy khó chịu. Vậy mà, trong nồi nước lẩu cá thòi lòi, trái giác xanh qua bàn tay của chị Sợ lại có vị chua chua, bùi bùi ngon miệng lạ. 
 
Đi một vòng trong vuông là đủ cho một bữa ăn với những sản vật địa phương. Món sò huyết xào me, vọp hấp gừng, cá thòi lòi nướng muối ớt… được bắt từ trong vuông. Nồi lẩu cá thòi lòi ngon hơn với rau chua, rau lang, rau càng cua hái sau vườn. Và bữa ăn của người dân ở đây không thể thiếu bồn bồn, có thể xào hay làm gỏi trộn. Vị ngọt của hải sản, vị chua của rau vườn kết hợp với một chút rượu nếp pha với nước cốt trái giác giữa gió lồng lộng thổi từ ngoài sông vào, để giờ nghỉ trưa trên những chiếc võng treo ngoài hiên nhà say hơn sau một buổi khám phá Đất Mũi. 
 
Khi những du khách từ Đà Lạt ghé nhà, chị Sợ cho biết anh Hưởng đang tự mình khăn gói lên Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm làm du lịch. Anh đi nhiều nơi, cứ nghe nói ở đâu du lịch phát triển là anh tới. “Đi học những cái hay, cái mới để phục vụ khách tốt hơn thôi”, chị Sợ cười. Chợt nghĩ, Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng, không chỉ riêng Đà Lạt mà nhiều huyện lân cận cũng đã làm du lịch cộng đồng, để thu hút du khách nhiều hơn, nên chăng người dân ở đây cũng nên đi học hỏi, góp nhặt nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng làm du lịch từ nhiều vùng miền để chắt lọc nét riêng và phát triển du lịch cộng đồng trở thành điểm mạnh của du lịch phố núi?
 
Tuấn Hương