Nhận diện du lịch chất lượng cao

09:12, 30/12/2016

Tính chất hàng đầu trong quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đó là "Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa". 

Tính chất hàng đầu trong quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 đó là “Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa”. Trong khung cảnh định hướng đó, Đà Lạt đang phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao “khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo” hàng đầu của quốc gia và mang tầm quốc tế. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Đà Lạt với tỷ trọng chiếm đến 63,98% GRDP.
 
Năm 2016 khách nước ngoài tới du lịch Đà Lạt tăng 46% so với cùng kỳ. Ảnh: Phan Nhân
Năm 2016 khách nước ngoài tới du lịch Đà Lạt tăng 46% so với cùng kỳ. Ảnh: Phan Nhân

Ðiểm nhấn Tuyền Lâm  
 
Trên hành trình kiến tạo quy hoạch, thu hút đầu tư và xây dựng, từ khi triển khai đến nay Khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm đã thu hút 36 nhà đầu tư vào đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, với tổng vốn đăng ký gần 10.000 tỷ đồng. Và hiện có 12 dự án đầu tư đi vào hoạt động bao gồm các dự án du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp, sân golf… Lợi thế của KDL hồ Tuyền Lâm với sinh cảnh rừng nguyên sinh trong lành, mặt nước hồ Tuyền Lâm rộng hơn 320 ha xanh trong và trong quá trình đầu tư luôn cẩn trọng lựa chọn từ dịch vụ đến công trình kiến trúc hài hòa với cây xanh, thảm cỏ, lối đi là điểm đến nghỉ ngơi ngày càng hấp dẫn du khách. Tất cả các dự án trên đã và đang tạo nên quần thể du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng khác biệt trên thành phố Đà Lạt mộng mơ. 
 
Một tín hiệu mới đáng mừng đến với KDL hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt khi vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự điều chỉnh quy hoạch lần này mang ý nghĩa quan trọng, tạo lợi thế lớn đối với KDL hồ Tuyền Lâm, bởi không chỉ phù hợp với sự mở rộng đô thị Đà Lạt trong tương lai mà còn nâng tầm KDL hồ Tuyền Lâm trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cấp quốc gia đầu tiên trong cả nước. Qua đó, bên cạnh việc phải tuân thủ các yếu tố cảnh quan môi trường, chú trọng những vùng đệm xanh ngăn cách các đô thị, mật độ xây dựng đối với các các dự án trong các khu du lịch sinh thái này không quá 20% diện tích.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt cho hay: Trong khi tiêu chuẩn của khu du lịch cấp quốc gia đòi hỏi phải có diện tích trên 1.000 ha thì với quy hoạch KDL hồ Tuyền Lâm tới gần 3.000 ha. Đáng nói hơn hiện toàn KDL hồ Tuyền Lâm - sau khi điều chỉnh quy hoạch thu hút gần 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ du lịch tại khu du lịch. Với số lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng này, chiếm gần 50% tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Lâm Đồng và vượt hơn nhiều lần tiêu chuẩn để được công nhận là KDL cấp quốc gia mà Luật Du lịch quy định, cho thấy sức thu hút du khách của KDL hồ Tuyền Lâm ngày càng cao. 
 
Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ đầu tư dự án triển khai, đi vào hoạt động trên tổng số dự án đăng ký đầu tư vào KDL hồ Tuyền Lâm mới chỉ đạt 1/3, song đặt trong viễn cảnh đầu tư vào các lĩnh vực trong nước những năm qua, câu chuyện đầu tư tại Tuyền Lâm vẫn như một điểm sáng, bổ sung thêm các sản phẩm mới về du lịch chất lượng cao cho thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng. Mặt khác, từ trước đến nay, việc thuê đất, rừng, thuê mặt nước được áp dụng đơn giá gần sát với thị trường ảnh hưởng đến sức hút đầu tư vào các khu du lịch mà cụ thể đối với rừng sản xuất không là rừng tự nhiên, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp được giao thuê đất và nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời hạn thuê hoặc nộp tiền thuê đất hàng năm. Tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Chính phủ đã cho phép Lâm Đồng thực hiện các “cơ chế, chính sách đặc thù” với  những ưu tiên, ưu đãi của một khu du lịch cấp quốc gia. Cụ thể, được  miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê đất đối với rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên; trường hợp nhà đầu tư sử dụng diện tích đất rừng sản xuất không phải rừng tự nhiên vào mục đích trồng và khai thác rừng thì phải nộp tiền thuê đất theo quy định. Đối với diện tích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp: để đảm bảo việc miễn tiền thuê đất phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương và chính sách khuyến khích đầu tư, cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quy định và công khai miễn tiền thuê đất đối với từng nhóm dự án trong khu du lịch sinh thái với mức tối đa là 5 năm. Bên cạnh đó, KDL hồ Tuyền Lâm còn được quan tâm đầu tư từ nguồn vốn Trung ương đối với cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư từ Trung ương vào KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm và Lâm Đồng cũng được  quyền huy động các nguồn vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng. 
 
Ðóng góp tỷ trọng cao trong GRDP 
 
Cùng với việc được công nhận là KDL quốc gia, KDL hồ Tuyền Lâm lần đầu tiên tổ chức “Ngày hội hoa Anh đào”, và đây cũng là dịp tập dợt cho những mùa Festival Hoa Đà Lạt trong thời gian tới, xây dựng thương hiệu cho hoa Anh đào Đà Lạt như một vị “xứ giả”, góp phần quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch không chỉ đối với KDL hồ Tuyền Lâm mà cho cả Đà Lạt, Lâm Đồng.
 
Nhìn rộng ra trên địa bàn thành phố Đà Lạt, cùng với các khu điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới; hệ thống lưu trú gắn sao ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống dịch vụ khách sạn, đã thúc đẩy du lịch Đà Lạt tăng trưởng khá hàng năm. Chỉ tính trong vòng 5 năm qua trở lại đây, lượng khách đến du lịch đạt 16,75 triệu lượt khách, tăng bình quân hàng năm trên 10%, trong đó, khách quốc tế tăng từ 11 - 12%. Riêng năm 2016, khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng đạt 5,4 triệu lượt khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó: khách quốc tế 270 ngàn lượt khách, tăng 44,8%; khách nội địa 5,1 triệu lượt khách, tăng 5,1%. Khách qua lưu trú đạt gần 3,6 triệu lượt khách, tăng 7,9%. Đáng nói hơn, đi đôi với việc xây dựng cơ sở vật chất du lịch ngày càng tăng đó là các khách sạn gắn sao được đầu tư mở rộng. Thống kê đến thời điểm này, thành phố có 247 cơ sở lưu trú với 7.147 phòng đạt tiêu chuẩn được gắn sao, chiếm 35,8% tổng số cơ sở lưu trú và số phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao lên tới 2.458 phòng, chiếm 34,4% tổng số phòng được gắn sao. Theo các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, tỷ lệ khách đến nghỉ dưỡng ở các khách sạn cao cấp này luôn đạt 60 - 70% trên tổng số phòng hiện có cho thấy nhu cầu lựa chọn dịch vụ chất lượng cao của khách ngày càng cao. 
 
Với sự phát triển đi lên của du lịch chất lượng cao tại Đà Lạt, đã đóng góp vào đạt tổng doanh thu từ khách du lịch 7.380 tỷ đồng trong năm 2016. Qua đó, khẳng định ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của Đà Lạt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội với tỷ trọng chiếm 63,98% GRDP của thành phố.
 
XUÂN TRUNG