Tuy không đột phá, song nhìn chung hoạt động du lịch Lâm Ðồng đã có một năm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó đáng chú ý là khách quốc tế tăng cao và doanh thu từ du lịch tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy không đột phá, song nhìn chung hoạt động du lịch Lâm Ðồng đã có một năm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó đáng chú ý là khách quốc tế tăng cao và doanh thu từ du lịch tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Khép lại năm 2018, chậm rãi nhìn nhận lại những thành tích cùng những hạn chế cũng là để tiếp thêm niềm tin để du lịch Lâm Ðồng bước vào năm mới 2019.
|
Chèo thuyền Kayak trên hồ Tuyền Lâm. Ảnh.Văn Báu |
Quảng bá thương hiệu
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong năm 2018, Đà Lạt - Lâm Đồng được trang web du lịch Touropia.com của Mỹ xếp hạng đứng thứ 5 trong 17 thành phố là điểm đến tốt nhất Việt Nam; còn Biệt thự Hằng Nga cũng được trang web này bình chọn là một trong 25 điểm đến thu hút khách khi đến tham quan, du lịch tại Việt Nam. Việc đứng thứ 5 trong 17 thành phố du lịch tốt nhất của cả nước phản ảnh một thực tế rằng Đà Lạt - Lâm Đồng thực sự là điểm đến trong các lựa chọn của du khách. Còn tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2018 được tổ chức tại Thái Lan, thành phố Đà Lạt vinh dự được trao tặng giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018”. Bên cạnh đó, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 14 năm 2018 (ITE - HCMC 2018), trong khuôn khổ Hội thảo Giải thưởng Du lịch ASEAN và Lễ trao chứng nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2018, Đà Lạt được nhận “Giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN”. Với nhãn hiệu “Thành phố Du lịch sạch” mang lại chỉ dấu của một thành phố có môi trường du lịch trong lành và đấy hẳn phải là một điểm cộng đối với thành phố ngàn thông trong mắt du khách.
Chưa dừng lại ở đó, Sở VHTT&DL Lâm Đồng cũng đã chủ động tổ chức nhiều chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các địa phương; đón các đoàn lữ hành, báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát các sản phẩm du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đem lại hiệu quả về quảng bá thương hiệu du lịch địa phương, kết nối tour, tuyến du lịch. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh du lịch tại Lâm Đồng đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế của Đà Lạt - Lâm Đồng. Thật sự dễ nhận ra du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông, các mô hình homestay, cà phê với kiến trúc mới lạ, độc đáo... đang trở thành những sản phẩm thu hút khách. Bởi “những sản phẩm dịch vụ mới hấp dẫn ấy đã tạo ra điểm khác biệt thu hút khách và tăng tính cạnh tranh với các địa phương trong nước” - mà theo như Sở VHTT&DL Lâm Đồng nhận định. Đi đôi với hoạt động quảng bá, đầu tư các sản phẩm mới, tại Lâm Đồng cũng đã diễn ra nhiều sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao nhân dịp lễ, tết, mùa du lịch hè... cũng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước về Đà Lạt - Lâm Đồng “Thân thiện, hiền hòa, mến khách”.
Thực hiện tốt kế hoạch
Đó là việc triển khai Đề án xây dựng thí điểm các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; kế hoạch hành động về phát triển và quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” năm 2018. Qua đó, Sở đã tổ chức tọa đàm chuyên đề nhằm tìm ra giải pháp tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là sản phẩm “tiếp sức” cho kinh tế du lịch phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, Sở đã tổ chức thẩm định, kiểm tra, khảo sát các mô hình du lịch canh nông và tính đến nay đã có 23 mô hình du lịch canh nông được công nhận. Song song đó, Sở VHTT&DL còn phối hợp với các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn tỉnh tổ chức các khóa tập huấn về nghiệp vụ du lịch như quản lý, bàn, buồng, bar, bếp... Nhìn chung nguồn nhân lực du lịch của Lâm Đồng đa phần còn rất trẻ, ở độ tuổi lao động từ 18 - 35 chiếm hơn 60% tổng số lao động trực tiếp phục vụ du lịch, phù hợp với đặc điểm của ngành. Và hiện tại có khoảng 11.200 lao động trực tiếp phục vụ trong ngành Du lịch Lâm Đồng. Trong đó, lĩnh vực lưu trú 7.600 người; lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển hành khách 1.350 người; tại các điểm du lịch 2.220 người... Đặc biệt, triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lưu trú trên địa bàn tỉnh” đến nay đã phối hợp với cơ quan chức năng cấp tài khoản thực hiện đăng ký qua mạng internet cho 2.070 cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đầu tư nâng cấp, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao chất lượng phục vụ...Sở VHTT&DL còn tăng cường công tác thanh, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá, bội tín với khách du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Cũng trong năm 2018, Sở VHTT&DL phối hợp với Tổng cục Du lịch thẩm định 5 khách sạn từ 4 - 5 sao trên địa bàn thành phố Đà Lạt cho Khách sạn La Dalat, Dalat Palace, Sammy, Terracotta, Swiss-Belresort Tuyền Lâm. Tiến hành thẩm định mới, thẩm định lại cho 126 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ban hành quyết định công nhận 7 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn nghỉ dưỡng 2 sao, 19 khách sạn 2 sao, 61 khách sạn 1 sao, 11 cơ sở đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ đối với khách sạn. Ngoài ra, còn công nhận 1 nhà nghỉ du lịch, 1 biệt thự du lịch, 2 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bên cạnh 22 cơ sở lưu trú chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo hạng đề nghị được gia hạn thời gian để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ du lịch. Vì vậy, tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.399 cơ sở lưu trú du lịch, tăng 12,4% so với năm 2017 với tổng số 20.994 phòng, tăng 12,3% so với năm trước. Trong đó, có 426 khách sạn từ 1 - 5 sao với 11.256 phòng, bao gồm 30 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 3.099 phòng. Đồng thời, Sở cũng thường xuyên rà soát, nhắc nhở các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh chưa qua thẩm định hoặc đã hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thẩm định mới, thẩm định lại theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ sở lưu trú hoạt động kinh doanh đảm bảo chất lượng, nâng cao thái độ ứng xử phục vụ khách du lịch...
Mặt khác, Sở đã hướng dẫn hồ sơ, thủ tục về việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho 4 công ty lữ hành, xác nhận thông báo kinh doanh lữ hành nội địa cho 4 công ty và hoạt động kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm cho 2 công ty. Thẩm định hồ sơ và cấp, đổi thẻ cho 103 hướng dẫn viên, trong đó có 64 hướng dẫn viên quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 67 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có 24 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Các đơn vị kinh doanh lữ hành chủ yếu dựa vào các loại hình truyền thống như: tham quan danh lam thắng cảnh, kiến trúc và văn hóa bản địa, sinh thái, dã ngoại, leo núi, vượt thác, thể thao giải trí...
Khách quốc tế tăng mạnh
Theo thống kê của Sở VHTT&DL, trong năm 2018, khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 6.505.500 lượt, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 100,1% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 485.000 lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 10,9% so với tổng lượt khách qua lưu trú, đạt 101% kế hoạch năm và khách nội địa ước đạt 6.020.500, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 100,01% kế hoạch năm. Khách qua lưu trú ước đạt 4.450.000 lượt, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 101% kế hoạch năm và ngày lưu trú bình quân là 2,2 ngày.
Qua số liệu trên có thể nhận thấy, năm 2018, lượng khách quốc tế đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng cao 21,3% có nguyên nhân ngay từ đầu năm, du lịch Việt Nam đã tích cực tham dự, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam; chương trình phát động thị trường; hội thảo giới thiệu du lịch; Hội chợ triển lãm du lịch tại Hungary, Áo, Thụy Sĩ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Đài Loan… Và việc Việt Nam được trao giải thưởng điểm đến du lịch hàng đầu châu Á trong Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới 2018 - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tạo ra sức hút đối với du khách nước ngoài đến Việt Nam, trong đó Đà Lạt là một trong các điểm ưa thích. Tuy nhiên, ngày lưu trú bình quân đạt kế hoạch đề ra nhưng cũng nhận diện được luồng di chuyển của du khách đã khác trước. Đó là, do nhu cầu thực tế hiện nay của du khách thường đi du lịch theo hướng “Một chuyến đi nhiều điểm đến”; đồng thời với sự phát triển của các phương tiện giao thông vận tải, hệ thống đường giao thông thuận lợi nên thời gian tham quan, lưu trú tại mỗi địa phương sẽ giảm. Đây là một thách thức đối với Đà Lạt - Lâm Đồng trong việc “giữ chân” du khách đòi hỏi phải tạo được những dịch vụ chất lượng để khách lưu lại lâu hơn.
Ðánh giá chung của ngành Du lịch, lượng khách du lịch đến Lâm Ðồng trong năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là lượng khách quốc tế và tổng doanh thu từ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 11.710 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017.
Từ kết quả này, Sở VHTT&DL đặt ra mục tiêu tiếp tục phát triển du lịch năm 2019 thực sự trở thành một ngành kinh tế động lực của tỉnh, có vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Và muốn trở thành “ngành kinh tế động lực của tỉnh” cần phải nâng cao chất lượng, đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, nhất là các loại hình du lịch đặc trưng mang thương hiệu Đà Lạt; khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến điểm đến và sản phẩm dịch vụ du lịch của Lâm Đồng tại thị trường trong nước và quốc tế, tập trung xây dựng thương hiệu cho du lịch Lâm Đồng. Xây dựng các tour, tuyến mới như: tour du lịch nông nghiệp tham quan vườn trà, rau, hoa, làng nghề; tour du lịch mạo hiểm, tour du lịch di sản văn hóa - lịch sử - sinh thái; các tour du lịch nối với các tỉnh Tây Nguyên, các trung tâm du lịch lớn trong nước; mở rộng các tour du lịch đến các nước trong khu vực... Mục tiêu cụ thể, năm 2019, ngành Du lịch Lâm Đồng đặt ra đón hơn 7,15 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa 6,61 triệu lượt, khách quốc tế 533,5 ngàn lượt, khách qua lưu trú là 4,85 triệu lượt và số ngày lưu trú 2,2 ngày.
Hy vọng năm 2019, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ có một năm hoạt động sôi động và hiệu quả.
XUÂN TRUNG