Ngẩn ngơ danh thắng Tràng An

09:05, 02/05/2019

Quần thể danh thắng Tràng An là địa danh du lịch tổng hợp ở tỉnh Ninh Bình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp thứ 11 khu vực châu Á Thái Bình Dương, thứ 31 trên toàn thế giới và là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Ðông Nam Á.

Quần thể danh thắng Tràng An là địa danh du lịch tổng hợp ở tỉnh Ninh Bình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp thứ 11 khu vực châu Á Thái Bình Dương, thứ 31 trên toàn thế giới và là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Ðông Nam Á.
 
Tam Cốc nhìn từ đỉnh núi Múa.
Tam Cốc nhìn từ đỉnh núi Múa.
 
Khu danh thắng Tràng An - Ninh Bình là một trong những địa điểm được du khách trong và ngoài nước lựa chọn nhiều nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của danh thắng Tràng An - có lẽ là cảm xúc của hầu hết những ai lần đầu đặt chân đến nơi này. Quần thể di sản thế giới Tràng An mang trong mình những khung cảnh thiên nhiên độc đáo từ đá núi, hệ sinh thái, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm và những tuyến du thuyền trên sông. Nơi đây sở hữu những hang động đẹp; những di chỉ khảo cổ học có giá trị; những di tích lịch sử nổi tiếng gắn với 4 vương triều Đinh - Lê - Lý - Trần...
 
Giữa rất nhiều những lựa chọn ở quần thể danh thắng Tràng An chúng tôi đã chọn khám phá Tam Cốc, hang Múa, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa lư và Tràng An.
 
Tam Cốc thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 8 km. Tam Cốc được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”. Hành trình khám phá Tam Cốc được bắt đầu từ bến thuyền Đình Các, bác lái thuyền đưa chúng tôi đi dọc dòng sông Ngô Đồng uốn lượn quanh co, hai bên dòng sông là những ruộng lúa đang thì con gái. Người lái đò bản địa này nói với chúng tôi: “Tam” là ba và “Cốc” là hang, Tam Cốc chính là ba hang động xuyên thủy, được tạo thành bởi hàng triệu năm dòng sông Ngô Đồng xuyên qua núi. Hang Cả dài 127 m, rộng 20 m có nhiều nhũ đá đẹp buông xuống. Phía trong hang là những chùm nhũ đá óng ánh sắc màu và phản chiếu xuống mặt nước long lanh. Hang Hai cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m và rộng 18 m. Trần hang là những nhũ đá muôn hình vạn trạng. Hang ba cách hang hai chừng 100 m. 
 
Chèo thuyền ở Tam Cốc sẽ đi qua Am Thái Vi - nơi vua Trần đến xem các cung tần mỹ nữ múa hát. Và từ dưới lòng sông có thể ngước lên đỉnh núi Múa, nơi có ngọn tháp và con rồng đá. Núi Múa cách bến thuyền chừng 2 km. Đường lên đỉnh núi Múa được ví như Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam với 486 bậc đá. Đó thực sự là thử thách nhưng khi lên đỉnh núi rồi thì mọi thứ trước mặt bày ra vô cùng thích thú. Đó là, con rồng đá và những tòa tháp lừng lững trên những mỏm đá xám nhấp nhô đầy huyền bí. Và đặc biệt từ đỉnh núi Múa sẽ thu trọn toàn bộ Tam Cốc vào tầm mắt. Hiện khu vực đỉnh núi Múa đang là địa điểm được du khách lựa chọn nhiều nhất khi đến Tràng An. 
 
Sau Tam Cốc, núi Múa thì chùa Bái Đính - khu du lịch tâm linh với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam cùng với cố đô Hoa Lư - kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt là điểm đến không thể bỏ qua để hiểu thêm về văn hóa tâm linh, về một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm nhưng rất hào hùng của dân tộc. 
 
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hòa quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá điệp trùng. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó nhà Trần sử dụng làm Hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. 
 
Hành cung Vũ Lâm là một căn cứ quân sự thời Trần, nằm ngay trong vùng núi thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa. Di tích của Hành cung Vũ Lâm hiện nay được phân bố trong 4 xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân, huyện Hoa Lư, thuộc khu vực phía Nam của Quần thể danh thắng Tràng An. Nơi đây núi được coi là thành, sông là đường, hang động là cung điện mà các nhà sử học gọi là kinh đô đá. Với địa thế và hệ thống phòng thủ phản công như trên, Hành cung Vũ Lâm là căn cứ vững chắc của quân dân đời Trần. Hành cung Vũ Lâm còn để lại nhiều di tích lịch sử như: Cửa Quan, Hành Cung, Cống Rồng, Tuân Cáo, Vườn Kho… Nơi đây cũng có mật độ các chùa dày đặc với 24 ngôi chùa cổ tồn tại từ thời Trần đến nay. Trong số đó có cả những chùa được vua Trần Thái Tông trực tiếp cho xây dựng. Hành cung Vũ Lâm cũng là nơi xuất gia tu đầu tiên của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294. 
 
Về với Tràng An như càng thấy yêu hơn giang sơn cẩm tú; Tự hào hơn lịch sử vàng son của dân tộc. Một lần đến với Tràng An ngẩn ngơ như chẳng muốn về.
HOÀNG MY - HOÀNG YÊN