Bước tới đèo Ngang

08:07, 25/07/2019

"Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa…"

“Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa…”
 
Đó là hai câu thơ đầu trong tác phẩm Đường luật nổi tiếng “Qua đèo Ngang” của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Tôi đã qua đèo Ngang nhiều chục lần, nhưng chưa một lần được đứng nơi đây, vì một thời ngồi ô tô khách ai cũng thót tim im lặng để vượt qua nơi núi non hiểm trở này; còn từ năm 2004, khi có đường hầm xuyên qua Đèo, ô tô khách không lên Đèo nữa. Lần này quyết định đi xe máy lên đèo Ngang, để một lần thỏa thích chiêm ngưỡng quê hương Việt Nam, nơi được “chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Để cảm nhận sơn thủy hữu tình của những áng ca dao; của thơ đề vịnh hoàng đế Lê Thánh Tông khi nam chinh đi qua vào thế kỷ XV; hay sau này, nhiều tao nhân mặc khách cảm tác về vùng núi non kỳ vĩ này, như Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, hoàng đế Thiệu Trị, Nguyễn Trường Tộ, Lê Văn Huân, Xuân Thủy, Phạm Tiến Duật, Vũ Tông Phan,... 
 

Đèo Ngang hiện là ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cách 2 trung tâm thành phố Hà Tĩnh gần 80 km về phía bắc và thành phố Đồng Hới 75 km về phía nam. Cũng là ranh giới của 2 vùng tiểu khí hậu (Hà Tĩnh thuộc khí hậu bắc, mùa đông có gió mùa Đông bắc mạnh, mùa hè gió Lào nóng dữ dội. Lượng mưa ở Hoành Sơn rất lớn, 3.000 mm/năm và bão cũng rất nhiều; còn ở Quảng Bình, đặc điểm khí hậu nam, gió Đông bắc rất yếu). Đèo nằm trên Quốc lộ 1A, vắt qua dãy Hoành Sơn (núi Ngang), một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra tận biển Đông với điểm chót là mũi Đao, mũi Độc. Khối Hoành Sơn chiếm diện tích khoảng 1.500 km2, có ngọn Ba Cốc cao tới 823 m. Riêng đèo Ngang độ cao 256 m, chiều dài 6.500 m, gắn với quan lộ có từ hơn 1.000 năm trước, thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005). Nơi đây từng phân định ranh giới giữa nước Đại Việt và nước Chiêm Thành, gợi cho ta hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài; còn thời thuộc Pháp nó có tên tiếng Pháp là Porte d’Annam (Cổng An Nam).

Từ phía Hà Tĩnh, chúng tôi lên đỉnh đèo Ngang, gặp ngay một đoàn du khách Hà Nội từ Quảng Bình ra, tại “Cổng Trời”, thuộc Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ải Hoành Sơn Quan. Cổng được vua Minh Mạng thứ 14 (năm Quý Tỵ, 1833) cho xây dựng để kiểm soát việc lưu thông qua Đèo, trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam. Theo “Hà Tĩnh Địa dư”, cổng cao 10 thước (4 m), hai bên có tường trụ dài 75 thước (30 m). Nhưng sách “Đại Nam nhất thống chí” lại chép cửa quan xây dựng bằng đá dài 11 trượng 8 thước (47,2 m), cao 5 thước (2 m), khoảng giữa là cửa quan, phía tả và hữu đắp tường dài 75 trượng (300 m), cao 4 thước (1,6 m), về mặt tả mặt hữu và mặt hậu có tường dài 12 trượng 2 thước (48,8 m). Hiện nay chỉ còn lại cổng chính nguyên vẹn, cao khoảng 4 m, trầm mặc với rong rêu, các bức tường không còn. Đường thiên lý đi qua dưới cổng, hai phía ghép đá, phía ngoài vào 980 bậc, phía trong ra 900 bậc, nay đã bị cây cỏ, đất đá phủ lấp, chỉ phía ngoài (Hà Tĩnh) còn lại một số bậc. Đường Quốc lộ 1A bây giờ đi vòng phía dưới cổng. Năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838) đúc 9 đỉnh đồng lớn đặt ở nội thành Huế, hình tượng Hoành Sơn - đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”. Bởi thế mà ca dao từng miêu tả tâm trạng người qua đây: “Trèo đèo hai mái chân vân/ Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”. Đèo Ngang là nơi diễn ra nhiều sự kiện chiến tranh của nhiều triều đại và mãi sau này vẫn là “điểm nóng” trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam.

 Đứng trên đỉnh Đèo, nhìn về phía Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và phía Nam, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tạo hóa ban phú những bức tranh thủy mặc kỳ vĩ, đẹp đến mê hồn. Những dãy núi chập chùng trườn ra tận bãi biển, nơi lớp lớp con sóng trắng vỗ bờ rì rào ngân lên những bản nhạc quê hương. Bây giờ không có cảnh đìu hiu như xưa thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan mô tả: “Lom khom dưới núi, tiều vài chú/Lác đác bên sông chợ mấy nhà”, mà cuộc sống ngày càng nhộn nhịp và trở thành những điểm du lịch nổi tiếng. Đó là những bãi tắm thoai thoải cát vàng óng ánh của Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với dải phi lao xanh mướt. Những hòn đảo ngoài xa tạo những thắng cảnh tuyệt mỹ: Đèo Con, Hòn La, Vũng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, Hòn Yến…; chân Đèo là hồ nước Quảng Đông trong leo lẻo, những con suối róc rách từ các vách đá chảy xuống. Đèo Ngang còn là gạch nối những điểm du lịch tâm linh, lịch sử và danh thắng 2 phía Bắc - Nam: đền thờ nữ danh tướng Bích Châu; khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, là vũng Áng… Ngay chân Đèo là hai ngôi miếu thờ công chúa Liễu Hạnh, có từ thời Hậu Lê, năm 1557, gắn với những huyền tích ly kỳ.

 Hôm nay, giữa trên cao lộng gió mây vờn, Bắc - Nam đèo Ngang đang tấu những bản hùng ca của cuộc sống tươi mới. Nhiều nếp nhà sáng điện yên ả bên dòng sông hiền hòa nhẹ trôi ra cửa biển, cùng đó là hàng ngàn lượt xe ô tô ngược xuôi dưới những cung đường nhựa bóng bên chân Đèo. Với chúng tôi, một cảm xúc xen lẫn sự tươi mới ấy với âm hưởng của những bước chân mở đất, giữ cõi của các bậc tiền nhân tự ngàn xưa vọng về. Bay bổng và cả lắng đọng đến khôn cùng…

 Ghi chép: MINH ÐẠO