Không gian Mạ, K'Ho, Chu Ru trong ngôi nhà dài truyền thống bên bờ hồ Xuân Hương

06:12, 05/12/2019

Những ngày này, bên bờ hồ Xuân Hương, có một nhóm thợ đang say sưa dựng lại một ngôi nhà dài của người Mạ...

Những ngày này, bên bờ hồ Xuân Hương, có một nhóm thợ đang say sưa dựng lại một ngôi nhà dài của người Mạ. Ngôi nhà dài sẽ là nơi triển lãm ảnh, công cụ lao động và quảng diễn một số hoạt động trong đời sống của đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho và Chu Ru, từ ngày 20/12/2019 đến ngày 2/1/2020. Đây là một phần trong công trình nghiên cứu và sưu tầm của nhà báo, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga.
 
Ngôi nhà dài truyền thống của người Mạ đang được dựng lại bên bờ hồ Xuân Hương chuẩn bị cho không gian Mạ, K’Ho, Chu Ru trong Festival Hoa 2019. Ảnh: T.Vân
Ngôi nhà dài truyền thống của người Mạ đang được dựng lại bên bờ hồ Xuân Hương chuẩn bị cho không gian Mạ, K’Ho, Chu Ru trong Festival Hoa 2019. Ảnh: T.Vân
 
Một trong những đặc trưng riêng của người Mạ chính là ngôi nhà dài - nơi cộng cư của 3-4 thế hệ. Cứ mỗi thành viên trong nhà dài lập gia đình, đôi vợ chồng trẻ phải tự vào rừng chặt cây làm cột, lấy lá mây kết mái, làm vách từ tre rừng..., để nối vào với ngôi nhà của ông bà, bố mẹ... Mỗi cặp vợ chồng có riêng một bếp lửa và 1 nhà kho đựng lúa ở ngoài nhà dài. Dù có 9-10 cặp vợ chồng, nhưng trong nhà dài chỉ có một bàn thờ thần mặt trời, một bàn thờ thần mặt trăng, một cây nêu uống rượu. Nhưng, ngôi nhà có thể dài như một tiếng chuông ngân.
 
Những người cuối cùng có thể dựng nhà dài mà không cần đo vẽ. Ảnh: T.Vân
Những người cuối cùng có thể dựng nhà dài mà không cần đo vẽ. Ảnh: T.Vân
 
Theo nhà dân tộc học Đinh Thị Nga: “Đây là ngôi nhà dài duy nhất ở Nam Tây Nguyên, còn sót lại cho đến ngày nay. Ngôi nhà do gia đình già làng Điểu K’Banh và gia đình em rể Điểu K’Rư làm cách đây 50 năm ở Buôn Go, huyện Cát Tiên. Cột nhà được làm từ cây gỗ mun, nên ngôi nhà có thể tồn tại trên 200 năm. Cách làm nhà dài truyền thống của người Mạ đến nay cũng chỉ còn 4 ông Điểu K’Banh, Điểu K’Rư, Điểu K’Huế và Điểu K’Lố biết làm và dùng tay để đo kích thước”.
 
Trong ngôi nhà dài còn sót lại của người Mạ, các hoạt động đời sống truyền thống của người dân sẽ được tái hiện, như: dệt vải, nhuộm vải bằng lá cây rừng, làm gốm, thử rượu, nướng khoai, bắp... cùng những âm thanh cồng chiêng rộn ràng do chính đồng bào Mạ, K’Ho, Chu Ru trình diễn... Một kho lúa truyền thống của người Mạ cũng được tái hiện cạnh nhà dài. Đúng như tên gọi, đây là nơi đựng lúa, cùng các loại thực phẩm khác như bắp, khoai, mì... và được dựng trên cao để tránh các con vật nuôi phá phách...
 
Già làng Điểu K’Lố và bẫy đuổi heo. Ảnh: T.Vân
Già làng Điểu K’Lố và bẫy đuổi heo. Ảnh: T.Vân
 
Các loại công cụ lao động chủ yếu phục vụ đời sống nương rẫy, săn bắt, hái lượm được triển lãm, như: giỏ, khiêu, gùi, cối gỗ, sớp đựng cơm; chiêng, ché; xà gạt, rìu, chụp bắt mối, rổ xúc cá; xa quay sợi, máy cán bông, giỏ nhuộm; gùi đựng tên, tên, ná, dao nhỏ... Chủ nhân của triển lãm sẽ chỉ ra những loại gùi đặc biệt, như gùi đặt tên là gùi tặng cho các em bé, nếu là bé trai thì gùi còn dùng để đựng mũi tên hoặc ná; là gùi cho bé gái thì đặt cùng với 1 cái nia nhỏ. Gùi có nắp là loại gùi rất khó đan và trở thành di sản khi những người biết đan không còn nữa, bởi trên gùi có các kiểu kết độc đáo ở quanh miệng gùi, ở chân gùi; hay hoa văn, kết chữ. 
 
Trong bộ sưu tập của nhà dân tộc học Đinh Thị Nga, có rất nhiều dụng cụ phát ra âm thanh. Đó là những dải tua treo trên cây nêu, các dụng cụ đuổi chim, đuổi heo... phát ra âm thanh lách cách lạ tai khi chúng được gió đẩy chạm vào nhau.
 
Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và một góc trưng bày thổ cẩm. Ảnh: T.Vân
Nhà dân tộc học Đinh Thị Nga và một góc trưng bày thổ cẩm. Ảnh: T.Vân
 
Một phần trong bộ sưu tập của nhà dân tộc học Đinh Thị Nga chính là sản phẩm dệt thổ cẩm, từ những mảnh khố, váy; đến tấm đắp, áo... với màu sắc sặc sỡ và nhiều kiểu hoa văn truyền thống, như hình nhà, hình thú, hình cây, hình côn trùng... gần gũi với đời sống và gắn bó tự nhiên với đồng bào. Một kiểu hoa văn truyền thống độc đáo là hoa văn hình mặt trời - thể hiện tín ngưỡng đa thần giáo cũng được thể hiện nhiều trên sản phẩm thổ cẩm. Hoa văn hình mặt trời là một trong những hoa văn rất khó dệt và đang có nguy cơ thất truyền nếu không có thế hệ sau tiếp nối.
 
Cùng với nhà dân tộc học Đinh Thị Nga, nhiếp ảnh gia cũng là một nhà báo - anh Nguyễn Hoài Linh sẽ triển lãm bộ ảnh lấy cảm hứng từ đời sống dân dã của 3 tộc người Mạ, K’Ho, Chu Ru; cùng với những trăn trở trước nguy cơ mất dần những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên nói riêng.
 
Trong ngôi nhà dài còn có trưng bày hình ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh. Ảnh: T.Vân
Trong ngôi nhà dài còn có trưng bày hình ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh. Ảnh: T.Vân
 
Điều đặc biệt nhất trong không gian Mạ, K’Ho, Chu Ru và ngôi nhà dài truyền thống chính là sự xuất hiện của bà con là nghệ nhân, các già làng và các cựu chiến binh đến từ Buôn Go (thị trấn Cát Tiên), Đồng Nai Thượng và Tiên Hoàng (của huyện Cát Tiên) tham gia quảng diễn một số nghề truyền thống và biểu diễn cồng chiêng. Đây chính là hoạt động thiết thực góp phần quảng bá, bảo tồn và trao truyền di sản.
 
TIỂU VÂN