Phát huy các nguồn lực và văn hóa đặc sắc tạo nên chuỗi giá trị du lịch

06:09, 03/09/2020

Ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Kế hoạch số 7021/KH-UBND, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

Ngày 21/8/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Kế hoạch số 7021/KH-UBND, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp của “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam” đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1.
 
Kế hoạch 7021 phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển ngành du lịch cả về chiều rộng và chiều sâu, vận hành theo cơ chế thị trường; chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao; cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Lâm Đồng; quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện. Kế hoạch nhằm tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng để hình thành chuỗi giá trị du lịch; phát huy các nguồn lực để du lịch phát triển đạt hiệu quả cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch trên địa bàn.
 
Kế hoạch 7021 cũng hướng đến mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trên lĩnh vực du lịch đối với các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với đô thị du lịch Đà Lạt. 
 
Những mục tiêu có thể đo lường là, tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đạt trên 37% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030; số lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 9-10% (năm 2025) và 8-9% (năm 2030), trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12-20% trong tổng số khách du lịch; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú (CSLT) du lịch cao cấp (đạt chuẩn 3-5 sao) với số phòng chiếm 25% tổng số phòng của hệ thống CSLT và trên 45% trong tổng số phòng của khách sạn đạt chuẩn có sao (1-5 sao) vào năm 2025, các chỉ tiêu này đến năm 2030 sẽ lần lượt là 27% và 48%; thu hút 15 ngàn lao động trực tiếp tại các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ với 85% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch từ sơ cấp trở lên, đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ và tăng ngày lưu trú bình quân lên 2,5 ngày (năm 2025), vào năm 2030 những chỉ tiêu về lao động trong ngành du lịch sẽ lần lượt là 18 ngàn, 87% và 2,6 ngày.
 
Kế hoạch 7021 đưa ra hệ thống 9 nhóm giải pháp thực hiện phát triển du lịch, gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy; hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ; đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch.
 
Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh sẽ phân công các thành viên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch này. Trách nhiệm chủ trì, phối hợp được giao cho Sở VH-TT&DL cùng 18 sở, ngành, hiệp hội, cơ quan truyền thông và UBND các huyện, thành trong toàn tỉnh để tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới phục vụ du khách; đồng thời, thúc đẩy du lịch thông minh, gắn kết cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hoạt động du lịch, cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển du lịch và xây dựng môi trường du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thanh lịch, hấp dẫn, an toàn, thân thiện...
 
LÊ HOA