Bài 4: Làng Hữu nghị Thái - Việt

09:11, 06/11/2014

Chia tay Bueng Kan, chúng tôi theo đường bộ 180km đến thẳng tỉnh lị Nakhon Phanom. Nakhon Phanom có Làng Hữu nghị Thái - Việt, có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi bà con trong cộng đồng người Việt trên đất Thái hướng tới...

[links()] Chia tay Bueng Kan, chúng tôi theo đường bộ 180km đến thẳng tỉnh lị Nakhon Phanom. Nakhon Phanom có Làng Hữu nghị Thái - Việt, có di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi bà con trong cộng đồng người Việt trên đất Thái hướng tới...
 
Bác sĩ, học giả Somchop Nitipoj, Chủ tịch cơ quan lãnh đạo tỉnh Nakhon Phanom, một tổ chức do dân bầu cử trực tiếp, có vai trò giám sát, song hành tồn tại bên cạnh bộ máy hành pháp Tỉnh trưởng tiếp chúng tôi tại Khách sạn Viewkong. Ông Somchop Nitipoj còn là chủ tịch tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chủ tịch hiệp hội thể thao, thành viên Ủy ban Xã hội, giáo dục đại học, thành viên Ủy ban An ninh trật tự tỉnh Nakhon Phanom.
 
Tác giả kính cẩn trước bàn thờ Bác Hồ ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom
Tác giả kính cẩn trước bàn thờ Bác Hồ ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom
 
Chỉ là sự ngẫu nhiên, buổi tối hôm tiếp các nhà báo Việt Nam lại đúng sinh nhật lần thứ 50 của chủ tịch Somchop Nitipoj. Ngài chủ tịch rất vui, nhiều quan chức ghé nhà riêng của ông nhưng không gặp; họ đã đến khách sạn tặng hoa, tặng quà, ca hát. Chúng tôi hòa vào bầu không khí vui nhộn đó, cùng hát các bài hát Việt, Thái và Lào, múa lăm vong. Chủ tịch Somchop Nitipoj xúc động:
 
 - Thật may mắn và hạnh phúc, sinh nhật của tôi lại có các bạn Việt Nam. Từ đây, chỉ với 140km đường bộ, bằng đoạn đường Hà Nội đến Thanh Hóa, là đến tỉnh Quảng Bình. Qua bên kia sông, trên trục đông - tây là 2 tỉnh Thà Khẹt và Khăm Muộn của Lào, rồi đến ngay Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Quảng Bình. Cầu Nakhon Phanom bắc qua sông Mê Kông là cây cầu đẹp nhất, hiện đại nhất, so với các cây cầu vượt sông Mê Kông. Buổi sáng chúng tôi rời Nakhon Phanom, đến trưa có thể ăn cơm niêu với canh hến bên bờ sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới, tham quan động Phong Nha - Kẻ Bàng. Tôi đã nhiều lần đến Việt Nam qua Cửa khẩu Cầu Treo để đến Hà Tĩnh, thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Tôi biết Thanh Hóa là điểm trung tâm trên quốc lộ 1A Hà Nội - Vinh với độ dài 300km
 
Chủ tịch Somchop Nitipoj quả là người am tường Việt Nam. Ông im lặng trong giây lát, rồi nói tiếp:
 
 - Tôi có vinh hạnh được gặp và làm việc với Ngài Nguyễn Phú Trọng. Nakhon Phanom rất vinh hạnh đã được đón tiếp Ngài Tổng Bí thư. Sáng mai, các bạn nhà báo Việt Nam sẽ đến bản Mạy, cách nơi đây chỉ 15 phút xe hơi. Đó là Làng Hữu nghị Thái - Việt, là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nakhon Phanom. Tỉnh Nakhon Phanom rất tự hào coi việc hỗ trợ xây dựng Làng Hữu nghị Thái - Việt là trách nhiệm, là tình cảm của nhân dân Thái Lan và nhân dân Nakhon Phanom đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị Thái Lan - Việt Nam, trong đại gia đình Cộng đồng các quốc gia ASEAN...
 
Sáng sớm hôm sau, ngày 21-8-2014, sau một cơn mưa rào, trời tạnh ráo, như chiều lòng chúng tôi. Bác Hồ kính yêu mấy chục năm về trước, tầm nhìn chiến lược xa rộng, đã rất “đắc địa” tìm về đây “lập cứ” tập hợp các thanh niên yêu nước, dựa vào tấm lòng ái quốc của bà con kiều bào làm điểm tựa. Đường vào bản Mạy ngày nay thật dễ đi, đâu phải như xưa, hồi Thầu Chín mở lối, luồn rừng vượt suối sâu, dốc thẳm. Đường nhựa phẳng lì to rộng. Nói là bản, là làng, nhưng địa chỉ ĐỎ này nằm ngay sát trung tâm thành phố Nakhon Phanom, ven sông Mê Kông.
 
Vị đại diện cho ban quản lý Làng Hữu nghị - Khu di tích, vốn là chắt nội của cụ Võ Trọng Đài, quê gốc ở Hưng Nguyên, Nghệ An, một nhân sĩ yêu nước, giới thiệu:
 
 - Đất bản Mạy ngày xưa vốn là vùng rừng bằng phẳng cạnh hồ Nỏong Nhạt, còn có tên là Nà Chọoc. Theo tiếng Thái Nà là ruộng, Chọoc là chó sói. Lúc đó, ruộng mới vỡ hoang, rừng rậm thường có nhiều chó sói. Người dân nơi đây đã không gọi là bản Nà Chọoc mà gọi là bản Mạy. Tiếng Thái, Mạy có nghĩa là mới, làng mới. Trong số những người lập ra bản Mạy thời đó có ông Ngô Tuấn, ông Lê Hữu Đạt người gốc Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Đài, người gốc Nghệ An. Cụ Võ Trọng Đài là bạn học cùng thời với bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái của Bác Hồ. Là những người cùng chí hướng với “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên” được thành lập năm 1925 ở Quảng Châu, Trung Quốc, không những cùng nhau lập bản, họ còn cùng nhau xây dựng ở bản Mạy nếp sinh hoạt cộng đồng theo mô hình các bản Việt kiều do ông Đặng Thúc Hứa đã lập ở Phichit, Noong Khai, Udon Thani... Họ lập trại Cày, trại Cưa, hội Thân Ái, xây dựng đền thờ Đức thánh Trần, xây nhà Hợp tác. Bản Mạy trở thành nơi lui tới, trạm liên lạc đón những người từ trong nước qua, sau đó tỏa đi nhiều nơi ở Thái Lan và cả Trung Quốc, hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp. 
 
Bà Thanh Hòa, một hậu duệ của cụ Võ Trọng Đài, hướng dẫn chúng tôi đến khu nhà Hợp tác, giới thiệu:
 
 - Nhà Hợp tác là đây. Chúng tôi vẫn bảo tồn ngôi nhà, các phòng, bài trí sắp đặt y nguyên như thời ông Thầu Chín hoạt động. 
 
Bà Thanh Hòa đưa chúng tôi vào xem nhà Hợp tác. Bà giới thiệu rành rọt, như là chủ nhân thực sự căn nhà này:
 
 - Nhà có 3 gian, mỗi gian rộng 20m2, mái lợp ngói gỗ. Vách nhà thưng ván lá sách bốn phía. Cửa lớn, cửa nhỏ đều bằng gỗ. Ngày ấy, nền nhà lát gạch vuông do ông Thầu Chín và hội viên Hội Hợp tác tự đóng lấy. Nhà ngăn đôi theo chiều dọc. Nửa nhà phía trước hoàn toàn để trống, gian giữa đặt một bàn con, mỗi bên có vài ba chiếc ghế dài để hội viên ngồi hội họp, học tập. Nửa gian nhà phía sau, hai gian bên dùng làm phòng ngủ, có phản gỗ để nằm, có cửa sổ và hai cửa ra vào. Gian giữa đặt bàn ăn cơm, đặt ấm trà, khay cốc, điếu bát hút thuốc Lào. Trên vách treo cuốn lịch nhỏ để tra cứu ngày tháng. Ngày xưa, các cháu nhỏ học sinh thường qua sân nhà Hợp tác chơi đùa chạy nhảy, ông Thầu Chín cùng hòa đồng vui chơi múa hát với các cháu vui lắm. Một ngày vắng ông Thầu Chín là các cháu bủa nhau đi tìm bằng được. 
 
Rất nhiều dấu tích hoạt động, tăng gia, sản xuất của Thầu Chín vẫn lưu giữ lại ở khu nhà Hợp tác, ở bản Mạy. Bà Thanh Hòa như thuộc lòng từng dấu tích:
 
 - Từ bên trái nhà Hợp tác là kho thóc làm theo kiểu nhà sàn gỗ 3 gian, mái lợp tranh theo kiểu kho thóc của người Thái. Lúa do hội viên cày cấy, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn, cất dành ăn lâu dài, nuôi sống những người vừa từ bên nước sang, cung cấp lương thực cho các lớp huấn luyện. 
 
Bà Thanh Hòa xúc động:
 
 - Con đường từ mé sân trước nhà vào cổng dài hơn 30m, rộng 2m. Mỗi sáng ông Thầu Chín và hội viên dành một giờ - ông nói coi như tập thể dục - để đắp con đường này. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, mỗi sáng mai thức dậy, đón chào ngày mới, con đường lại được tôn cao lên một ít. Ngày khánh thành nhà Hợp tác, ông Thầu Chín cùng anh em hội viên trồng dừa, trồng hoa dâm bụt, loài hoa mà ông rất thích. Kia kìa, bây giờ hoa dâm bụt và những cây dừa, cây cau ông Chín trồng vẫn còn đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta là như vậy.
 
Bồi hồi nhớ Bác, đôi mắt chúng tôi nhòa lệ lại nhớ đến giọng hát du dương trầm bổng của nữ Việt kiều, chị Trần Thị Bạch Vân ở Udon Thani: “A ơi... (chứ) trồng cây (à)... tôi lại nhớ Người (chứ) rừng bao nhiêu (à)... cây mọc thì tôi nhớ ơn Người (à) bấy nhiêu. Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa ...).
 
Bản Mạy - Làng Mới xưa là nơi ông Thầu Chín - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, hoạt động, đặt nền móng cho tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam và Thái Lan.
 
Bản Mạy - Làng Mới ngày nay là Làng Hữu nghị Thái - Việt, góp phần phát triển, vun đắp cho sự hợp tác phát triển giữa 2 dân tộc, hai đất nước Việt - Thái ...
 
Bangkok - TP. Hồ Chí Minh, 30-10-2014
 
PHẠM QUỐC TOÀN