Dran dưới mắt người nước ngoài (tiếp theo)

04:03, 18/03/2015

Năm 1904, bà Gabrielle M. Vassal lên cao nguyên Lang Biang để thay đổi không khí theo lời mời của Kỹ sư A. d'André, Trạm trưởng Trạm Nông nghiệp Lang Biang. Bà đã viết tác phẩm On and off duty in Annam do William Heinemann xuất bản tại Luân-đôn năm 1910 ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại Sài Gòn, Nha Trang, cao nguyên Lang Biang.

[links()]
Năm 1904, bà Gabrielle M. Vassal lên cao nguyên Lang Biang để thay đổi không khí theo lời mời của Kỹ sư A. d’André, Trạm trưởng Trạm Nông nghiệp Lang Biang. Bà đã viết tác phẩm On and off duty in Annam do William Heinemann xuất bản tại Luân-đôn năm 1910 ghi lại những điều mắt thấy tai nghe tại Sài Gòn, Nha Trang, cao nguyên Lang Biang. Sau đây là vài đoạn viết về Dran:
 
“Cách Dran 2 hay 3km, chúng tôi đi ngang qua những khu rừng thông, đồi cỏ ngắn thay cho lùm cây rậm rạp, do đó không gian rộng mở giữa những hàng cây cao thẳng đứng giúp cho tầm nhìn xa hơn. Chúng tôi nhìn thấy thung lũng xanh xa xa và con đường tôi đã đi qua ngày hôm trước.
 
…Sau khi vượt qua sông Đa Nhim (Danhim), phụ lưu chính của sông Đồng Nai, chúng tôi đến Dran ở lưng chừng đồi. Hai người Âu ở Sở Công chánh sống ở đây. Chủ nhật là ngày nghỉ, họ mời chúng tôi ăn cơm trưa. Những câu chuyện trong bữa ăn trái ngược với những gì ta thường nghe ở châu Âu. Thay vì những trận đấu thể thao hay chính trị, chủ đề câu chuyện xoay quanh chuyện cọp, cách sử dụng đạn, công việc khó khăn vì thời tiết xấu và thiếu nhân công. Cuộc sống ở đây thật khác xa với cuộc sống trước đây. Mọi người phải mang bánh mì đến và biết cách nướng trên nồi đất. Thức ăn chủ yếu là thịt thú rừng.
 
… Tôi thức dậy cùng với tia nắng bình minh đầu tiên sáng hôm sau. Ông Lecadet đứng gần con ngựa  sẵn sàng lên yên khi tôi xuất hiện. Còn phải vượt 60km trước khi đến Đăng Kia (Dankia), do đó không nên mất thời gian. Sau khi leo lên cao vài trăm mét, con đường tiếp tục uốn khúc theo các cao độ khác nhau, men theo sườn núi và chạy quanh co trong khu rừng thông. Chúng tôi nhìn lần cuối thung lũng sông Đa Nhim. Sương mù dày đặc khi chúng tôi khởi hành nhưng tan dần theo ánh mặt trời, chúng tôi có thể nhìn rõ thung lũng xinh đẹp, dòng sông rộng chảy giữa những bãi cỏ xanh bằng phẳng với rừng thông trên sườn đồi bên kia sông”.
 
Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu

Theo bác sĩ J.J.Vassal, vào năm 1905, người ta dự định không thành lập nơi nghỉ dưỡng (sanatorium) trên cao nguyên Lang Biang nữa, nhưng tại một địa điểm trong thung lũng sông Đa Nhim, giữa các làng Diom và Labouye (nay thuộc xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương).
 
Năm 1906, nhà cầm quyền Đông Dương họp ở Đà Lạt, quyết định chọn cao nguyên Lang Biang làm nơi nghỉ dưỡng vì hội đủ các điều kiện quân sự và vệ sinh.
 
Năm 1908, P. Duclaux đi ngựa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Từ Vinh đến Sài Gòn ông đi mất 42 ngày. Trên đường đi, ông rẽ từ Phan Rang lên Đà Lạt. Ông viết về Dran:
 
“Cuối cùng, đoàn người thình lình đến bờ cao nguyên. Con đường dẫn xuống một dòng sông vài nơi rộng đến hàng trăm mét đổ xuống thành thác nước, chảy xa dần về hướng tây và Sài Gòn, quanh co trong thung lũng không sâu trên cao nguyên. Dưới thung lũng nhỏ là Dran, nơi nhân viên công chính dựng trại. Schneider ngạc nhiên nhìn thấy sáu con ngựa lạ diễn qua trước nhà vội chạy theo tôi và giữ tôi lại. Đã đến giờ ăn trưa, tôi vui lòng dừng chân. Những người đơn độc này tiếp chúng tôi với tấm lòng hiếu khách thật chân thành, thân thiện và rộng mở mặc dầu thực phẩm chỉ là những sản phẩm thu được từ săn bắn. Hơn cả đối với người, đây còn là dịp may đối với ngựa được đến một nơi có những con ngựa khác, có thóc, ngô và cỏ để ăn đầy bụng.
 
Sau trận chiến năm 1901 ở Trung Quốc, pháo binh Pháp trở về nước đã để lại 150 hay 200 con la, đây là thời kỳ nhiều tham vọng chinh phục cao nguyên Lang Biang, khảo sát, tiếp tế,… Nhưng phần lớn con la bị chết vì chăm sóc, nuôi dưỡng kém. Đây là một trong những thất bại làm chậm trễ rất lâu quyết định cuối cùng.
 
Ăn xong, tôi siết chặt tay Schneider và tiếp tục lên đường, còn 35 cây số và phải đến trước khi trời tối. Con đò ở ngay cửa doanh trại. Đoàn người tiếp tục leo núi, nhẹ nhàng, thoải mái hơn sáng nay và không khí mát mẻ hơn. Còn 500 mét phải leo núi, không còn rừng rậm nhưng những đồi cỏ khô hay giữa rừng thông, phía dưới là thung lũng, những ngọn đồi nhấp nhô và dãy núi xa”.
 
Trung úy Barber là người Pháp đầu tiên trồng rau ở Dran từ cuối thế kỷ XIX. Bác sĩ Etienne Tardif cho biết rõ thêm về vườn rau:
 
“Trung úy Barber trồng một vườn rau chứng tỏ độ phì nhiêu kỳ diệu của vùng đất hoang này. Cà chua và bắp cải rất to tuy trồng trong một thời gian ngắn”.
 
Về sau, nghề trồng rau ở Dran ngày càng phát triển.
 
Trong bài Le chemin de fer du Langbian (Đường sắt Lang Biang) đăng trong tạp chí L’Asie Nouvelle Illustrée, xuất bản năm 1937 tại Sài Gòn, F. Lefèvre cho biết:
 
“Chính vùng Lang Bi-an, và nhất là thung lũng sông Đa Nhim, phải trở thành một trung tâm lớn trồng rau cải cung cấp rau cho phía Nam Đông Dương, trước hết là Sài Gòn và Chợ Lớn, sau đó là các thành phố khác, đến tận Mỹ Tho, Phnom Penh, Qui Nhơn và Huế. Tàu biển lớn sẽ chở từ Sài Gòn xà lách, bắp cải, đậu xanh, cà rốt, hành của thung lũng Đa Nhim; dâu tây và trái cây châu Âu thích hợp với khí hậu Đà Lạt (đào, pom,...).
 
Những cánh đồng trong thung lũng sông Đa Nhim, giữa Ngoạn Mục và Dran, giữa La Pá và Phi Nôm khá phì nhiêu, dễ tưới nước và gia súc sẽ cung cấp phân chuồng cần thiết. Không có vùng nào ở phía Nam Đông Dương có thể cạnh tranh nổi với Lang Biang.
 
Trong 5 năm, Lang Biang sản xuất rau cải hằng năm tăng từ 300 tấn lên 1.200 tấn. Hầu hết số lượng này (chính xác hơn là 96 - 97%) được sản xuất từ Phú Thuận (Bellevue), Dran và chuyên chở đến Sài Gòn.
 
Từ năm 1936 đến năm 1937, số lượng hoa sản xuất tăng từ 70 đến 90 tấn, hầu hết được trồng ở Phú Thuận, Trạm Hành, Cầu Đất, Đà Lạt và chuyển về Sài Gòn.
 
Đường sắt Lang Biang vận chuyển rau hoa với giá rất hợp lý (20 đồng/tấn, 2 xu/kg). Mức thu của các nhà ga tăng 50% từ năm 1936 đến năm 1937 (90.000 đồng trong năm 1936 và 133.000 đồng trong năm 1937)”. 
 
(còn nữa)
 
NGUYỄN HỮU TRANH