Quảng Trị một thời lửa đạn

03:12, 24/12/2015

(LĐ online) - Quảng Trị nổi tiếng cả nước bởi có sông Bến Hải với chiếc cầu Hiền Lương nối hai bờ Nam Bắc tại vĩ tuyến 17; có mùa hè đỏ lửa năm 1972, với 81 ngày đêm bảo vệ, chốt giữ Thành cổ đã đi vào lịch sử như những trang chói lọi nhất, oanh liệt nhất. 

(LĐ online) - Quảng Trị nổi tiếng cả nước bởi có sông Bến Hải với chiếc cầu Hiền Lương nối hai bờ Nam Bắc tại vĩ tuyến 17; có mùa hè đỏ lửa năm 1972, với 81 ngày đêm bảo vệ, chốt giữ Thành cổ đã đi vào lịch sử như những trang chói lọi nhất, oanh liệt nhất. Những tháng ngày bi tráng “không thể nào quên” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của tuổi trẻ miền Bắc.
 
KÝ ỨC 81 NGÀY ĐÊM CHỐT GIỮ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
 
Cuối tháng 5-1972, chúng tôi thuộc Tiểu đoàn 42 của Tỉnh đội Nghệ An đang huấn luyện tân binh tại Quỳnh Lưu được lệnh hành quân cấp tốc vào Nam chiến đấu. Không kể ngày đêm mặc cho máy bay Mỹ đánh phá ác liệt trên đường mòn Hồ Chí Minh, từng đoàn xe được nguỵ trang chở bộ đội, chở vũ khí đạn dược vẫn hối hả băng lên phía trước chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau một tuần chúng tôi đã có mặt tại Bãi Hà, Vĩnh Linh. Chưa kịp nghỉ lấy lại sức sau những ngày đêm hành quân mệt nhọc, tiểu đoàn chúng tôi được tăng cường cho Trung đoàn 27 thuộc mặt trận B5, có phiên hiệu là đoàn Thạch Hãn. Một thời Trung đoàn đã làm nên những kỳ tích, làm cho kẻ địch khiếp sợ khi nghe tên Trung đoàn 27 hay đoàn Thạch Hãn. Với chiến công lẫy lừng tại mặt trận B5, Trung đoàn đã được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
 
Địch bắt đầu mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị lấy tên là “Lam Sơn 72”. Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ tại thôn Bích La Trung làm bàn đạp tấn công đánh địch ở thôn Bích La Nam phía đông bắc Thành cổ. Vừa chân ướt, chân ráo vào thay cho đơn vị bạn, chúng tôi hối hả sửa chữa, gia cố hầm hào, công sự dưới làn đạn pháo liên tục chụp xuống trận địa. Trời vừa sáng máy bay địch liên tục oanh tạc, pháo giàn từ ngoài biển của tàu chiến Mỹ cũng bắt đầu trút xuống, hỗ trợ cho bộ binh tấn công hòng chiếm lại trận địa đã thất thủ. Cuộc chiến đấu giành giật từng tấc đất giữa ta và địch cả ngày và đêm vô cùng ác liệt. Có những ngày phải đánh đến 4-5 trận. Bộ đội ta tuy rất trẻ nhưng bất chấp nguy hiểm, chịu đựng hy sinh gian khổ bám chiến hào đánh lui các đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. Có chiến sỹ bắn hàng chục viên đạn B40, B41 máu 2 tai chảy ròng, không nghe được lệnh chỉ huy chỉ nhìn vào động tác để thực hiện. Sau mấy ngày chiến đấu đơn vị đã vắng mặt rất nhiều anh em cán bộ, chiến sỹ do hy sinh hoặc bị thương nặng phải ra tuyến sau điều trị.   
 
Theo chỉ đạo của cấp trên, bằng bất cứ giá nào phải chủ động tổ chức tấn công địch giành lại đất mà chúng đang chốt giữ ở Bích La Nam. Chi bộ họp bàn cách đánh khi ta không có hoả lực pháo binh yểm trợ. Toàn đơn vị hạ quyết tâm bằng ý chí và lòng dũng cảm dám hy sinh tính mạng của cán bộ, chiến sỹ để đánh chiếm Bích La Nam. Lợi dụng trời tối, bộ đội bò theo bờ ruộng áp sát địch, giờ G đã điểm hoả lực B40, B41, đạn AK xối xả trùm lên công sự, chiến hào của địch. Đạn của ta, đạn của địch đan chéo nhau nổ vang xé tan một góc trời. Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng căn nhà, từng góc vườn, đến 4 giờ sáng đơn vị chúng tôi cũng chỉ chiếm được nửa làng. Tiếng súng hai bên tạm im lặng, chúng tôi tranh thủ sửa lại chiến hào, băng bó lại vết thương cho anh em bị thương nặng để chuyển ra tuyến sau, giải quyết công tác tử sỹ... và chờ đợi những đợt phản công tiếp của địch. Chúng tôi thì hạ quyết tâm giữ cho bằng được khu vực đã chiếm, còn địch thì cố chiếm bằng được phần đất đã mất bằng mọi giá. Chúng huy động hoả lực pháo giàn từ biển bắn vào, từng phi đội máy bay trút bom xuống trận địa. Mặt đất Quảng Trị lúc nào cũng rung lên bần bật. Trong 81 ngày đêm (28/6-16/9) tổng số bom đạn được địch thả xuống thị xã Quảng Trị khoảng 328 ngàn tấn, tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống HIROSIMA, Nhật Bản năm 1945.    
                                                                                                                      
Thế nhưng, trong mưa bom, bão đạn là cái chết từng giây, từng phút đang cận kề vẫn không làm sờn lòng tuổi trẻ chúng tôi. Nhiều chiến sỹ mang đầy thương tích nhưng vẫn chiến đấu kiên cường không rời trận địa, người này ngã xuống người khác xông lên, không ai mảy may tính toán thiệt hơn, chỉ hướng về trận địa kẻ thù mà nhả đạn. Có những đêm được bổ sung 6 lần lính nhưng anh em đều hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn không vào được đơn vị. Sự ác liệt không thể tưởng tượng nổi về bom đạn, còn phải chịu đựng gian khổ và khắc nghiệt của thời tiết, ăn, uống... Mỗi ngày được tiếp tế hai nắm cơm vắt với muối, hoạ hoằn lắm có vài miếng lương khô dự trữ, phòng cơ khi địch bắn rát quá không chuyển cơm lên chiến hào trận địa được. Nước thì cứ múc ở ruộng hoặc nước hố bom rồi cho một viên lọc nước cứ thế mà uống. Cả tháng trời thức trắng thèm được chợp mắt để ngủ một giấc. Dẫu cái chết cận kề và chịu đựng gian khổ nhưng anh em vẫn đoàn kết thương yêu nhau, những giây phút im lặng tiếng súng lại chia nhau rít từng hơi thuốc, cùng cắn với nhau một bánh lương khô. Tình đồng đội là thế đó, một người hy sinh cả tiểu đội nén đau thương xông lên để trả thù. Tình cảm bạn bè trong chiến đấu gắn bó hơn tình cảm anh em ruột thịt, hơn tình đồng chí trong thời kinh tế thị trường ngày nay.
 
TRỞ LẠI THÀNH CỔ SAU 43 NĂM
 
Tôi có dịp được đi cùng đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng ghé thăm Thành cổ Quảng Trị, trở lại chiến trường xưa, trở lại mảnh đất một thời lửa đạn, về với những ký ức cuộc chiến 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ. Bước chân vào khuôn viên của Thành cổ tôi không cầm được nước mắt khi nhớ về những kỷ niệm đồng đội, những người bạn chiến đấu một thời đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng vạn chiến sỹ là bạn chiến đấu nằm nghỉ dưới lớp đất Thành cổ họ không được chứng kiến ngày thống nhất đất nước, những đổi thay thời mở cửa hội nhập hôm nay. 
 
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động vườn cây
.......................................................
 
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao bạn tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”
(Phạm Đình Lân)
 
Với những giá trị lịch sử đã được đúc kết bằng sự hy sinh to lớn của hàng chục ngàn chiến sỹ, cụm di tích Thành cổ Quảng Trị được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
 
Đài tưởng niệm được mô phỏng thành nấm mộ chung, dưới chân nấm mộ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi, bên trên là mái đình Việt cách điệu, trên mái đình là bình thái cực. Quan niệm triết lý phương Đông thì thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật làm vũ trụ phát triển không ngừng. Đài tưởng niệm này được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất. Tầng lưỡng nghi gồm hai nửa âm và dương, nửa bên nước là âm, nửa bên màu đỏ là dương. Phương Đông quan niệm rằng âm dương luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau như: Giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, giữa người sống và người chết đó là hình thái âm dương. Và âm dương không bao giờ hoạt động riêng lẻ, trong âm bao giờ cũng có dương, trong dương bao giờ cũng có âm, âm dương bao giờ cũng hoà quyện với nhau.
 
Ngay giữa phần âm được thiết kế một cây đèn cầy màu đỏ tượng trưng cho phần dương trong âm. Cây đèn có chiều cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ và được ví như “Đèn thiên mệnh” thiêng liêng nhằm chuyển tải linh hồn các chiến sỹ giải phóng quân từ cõi âm về cõi vĩnh hằng. Trên đỉnh cây đèn có ngọn lửa đang bốc cháy mang ý nghĩa ánh hào khí của cuộc chiến 81 ngày đêm trên chiến trường Quảng Trị. Giữa thân cây đèn có 3 áng mây tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân là cầu nối giữa trời, đất và người. Và trên cây đèn còn đắp 3 bát cơm tượng trưng cho phong tục Việt Nam cúng cơm người đã khuất. Trên phần dương có lỗ tròn thông xuống nấm mồ chung, lòng nấm mồ rỗng có 4 trục đường chính đi vào trung tâm, đây là biểu tượng linh hồn của các chiến sỹ bốn phương hội tụ. Chính giữa đặt lồng kính trong đó là hành trang của người lính gồm: ba lô đựng hai bộ quân phục, một đôi dép cao su, một bi đông đựng nước uống, một bao ruột tượng đựng gạo, một khẩu súng AK và cái xẻng đào công sự. Hành trang mang theo suốt thời trai trẻ của người lính chỉ có vậy nhưng đã mang lại những kỳ tích hào hùng.
 
Thành cổ Quảng Trị bây giờ được xây dựng một công viên văn hoá, một công viên cây xanh và cũng là một nghĩa trang chỉ có một nấm mồ chung. Đến Thành cổ hôm nay các đoàn khách trong nước và khách quốc tế thắp một nén hương để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Ai cũng bùi ngùi xúc động không cầm được nước mắt và tự hứa trước anh linh những người đã khuất phải sống tốt hơn, sống xứng đáng hơn với sự hy sinh của người lính cầm súng trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.  
 
TRẦN CẢNH ĐÀO