Chỉnh chiêng - kỹ năng thẩm âm độc đáo của các tộc người Tây Nguyên

09:05, 18/05/2017

Cồng chiêng Tây Nguyên ẩn chứa những giá trị kiệt tác của nhân loại, không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi kỹ thuật diễn tấu điêu luyện mà còn là kỹ năng thẩm âm tinh tế của những người con nơi núi rừng cao nguyên hùng vĩ.

Cồng chiêng Tây Nguyên ẩn chứa những giá trị kiệt tác của nhân loại, không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi kỹ thuật diễn tấu điêu luyện mà còn là kỹ năng thẩm âm tinh tế của những người con nơi núi rừng cao nguyên hùng vĩ.
 
Cư dân các dân tộc ít người ở Tây Nguyên không tự chế tác cồng, chiêng. Họ mua hoặc trao đổi từ nơi khác về, do đó phải chỉnh âm lại để cho những chiếc cồng, chiêng ấy có được tiết tấu và sắc thái đặc trưng riêng của dân tộc mình. Ngoài ra, những bộ cồng, chiêng do đánh quá nhiều hoặc để lâu ngày không sử dụng, thường sẽ bị lạc âm nên cũng cần chỉnh âm lại cho chuẩn theo thang âm quy định của từng chiếc chiêng trong dàn chiêng. Đồng bào Tây Nguyên thường quan niệm: chiêng bị lạc âm tức là “hồn chiêng” đã bay mất. Trong dàn chiêng, chỉ cần một chiếc bị lạc âm thì những bài chiêng đánh ra sẽ không được các yàng đón nhận. Vậy nên, trong buôn làng luôn phải có những người biết “gọi hồn chiêng” trở về - đó là những nghệ nhân chỉnh chiêng. 
 
Các nghệ nhân thực hiện thao tác chỉnh chiêng. Ảnh: T.Bình
Các nghệ nhân thực hiện thao tác chỉnh chiêng. Ảnh: T.Bình
Những người “gọi được hồn chiêng” trở về
 
Chỉnh chiêng là một công việc rất khó, không phải ai biết đánh cồng, chiêng điều có thể chỉnh được. Nghệ nhân chỉnh chiêng đòi hỏi không chỉ có khả năng diễn tấu cồng, chiêng giỏi, mà còn phải thực sự hiểu được “hồn chiêng” của dân tộc mình, nhớ nhiều bài chiêng cổ. Đặc biệt, phải là người có đôi tai thẩm âm tinh tế và có niềm đam mê, cùng với bàn tay khéo léo, điêu luyện qua từng vết mài, nhịp gõ,… mới có thể gọi đúng “hồn chiêng” trở về với buôn làng. 
 
Vật “bảo bối” để “gọi hồn chiêng”
 
Tùy theo từng chiếc chiêng cần chỉnh sửa khác nhau mà dùng vật “bảo bối” cho thích hợp. Đối với những chiếc cồng chiêng bị lệch âm, “bảo bối” của họ chỉ là cái búa nhỏ có tra cán gỗ ngắn hay thanh gỗ tròn dùng để gõ và một vài đòn kê. Nhưng những chiếc chiêng có độ dày không đều, cần phải có đoạn dây thép uốn cong hoặc hòn đá nhỏ để mài,... Còn cách gò, mài như thế nào để âm thanh của nó trở nên cao hơn hoặc thấp hơn, tiếng chiêng tròn và vang hơn đúng với chức năng âm thanh của nó trong dàn chiêng, là phải có “bí quyết” của các nghệ nhân chỉnh chiêng. 
 
Bí quyết “gọi hồn chiêng” trở về
 
Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có bí quyết để “gọi hồn chiêng” trở về theo cách riêng của mình, nhưng họ đều không thể bỏ qua công đoạn dò âm. Đó là, trước khi chỉnh sửa cồng, chiêng, các nghệ nhân chỉnh chiêng phải đánh thử một vài bài chiêng cổ hoặc gõ đều vào mặt trong theo đường tròn trên những điểm khác nhau quanh tâm điểm của từng chiếc chiêng, dò xem chỗ nào cần phải chỉnh để đánh dấu, rồi mới bắt tay vào chỉnh sửa. Bởi trong lòng của cồng, chiêng thường chia thành 12 vòng nhỏ khác nhau. Mỗi vòng có một chức năng riêng và có cả chỗ để khóa không cho chiêng lạc âm. Để chỉnh cao độ, độ rung, cũng như tiếng vang lớn, người Mạ thường mài những đường tròn có đường kính nhỏ, ở điểm tâm và ngược lại muốn cho cồng chiêng vang nhỏ, trong hơn thì mài đường tròn có đường kính lớn giáp thành chiêng. Còn người K’Ho thì họ không mài, mà lại dùng thanh gỗ hoặc búa để gõ theo các đường tròn khác nhau của chiếc chiêng và tùy theo chiếc chiêng cần kéo âm lên cao hay hạ xuống thấp mà điều chỉnh cường độ gõ và vị trí gõ cho thích hợp. 
 
Chiêng sau khi chỉnh xong phải được thử nghiệm xem âm của chiếc cồng, chiếc chiêng đó đã đúng với hệ quy chuẩn thang âm cổ truyền chưa. Thông thường, phải cần đến 2 - 3 người cùng thử để so âm. Đầu tiên, họ lấy một chiêng chuẩn làm căn, rồi đánh thử chiếc chiêng vừa chỉnh để so âm. Sau đó, sẽ tiếp tục đối chiếu với những chiếc khác trong dàn chiêng. Khi đó đội đánh cồng chiêng sẽ đi quanh thành hình tròn, còn những người thợ chỉnh chiêng thường phải đứng ở vị trí trung tâm, để họ có thể nghe rõ từng âm độ của chiếc chiêng chuẩn xác hơn, vì khoảng cách bằng nhau, không bị nghe tiếng gần, tiếng xa như khi xếp hàng ngang.
 
Để giữ mãi “hồn chiêng” nơi cao nguyên
 
Với những dụng cụ thô sơ, cùng với đôi tai thẩm âm tinh tế và đôi bàn tay tài hoa, những nghệ nhân chỉnh chiêng đã đem lại sức sống, tiếng vang cho hàng ngàn bộ chiêng ở các buôn làng. Họ thực sự là những nhân vật đáng được trân trọng và gìn giữ. Những năm gần đây, để tôn vinh nghệ thuật chỉnh chiêng và những nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú cho những người nổi tiếng có biệt tài chỉnh chiêng. Ngoài ra, còn mở các lớp truyền dạy kinh nghiệm chỉnh chiêng ngay tại các buôn làng. Hy vọng “hồn chiêng” sẽ vang vọng mãi giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
 
THANH BÌNH