Xử quan gian lận trong trường thi qua Mộc bản triều Nguyễn

09:09, 06/09/2018

Dưới thời phong kiến, khoa cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước. Bởi ngày xưa quan niệm giáo dục chính là "bách niên chi kế", là quá trình "trồng người". Sĩ tử thời xưa chỉ có con đường tiến thân chủ yếu là con đường khoa mục. 

Dưới thời phong kiến, khoa cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước. Bởi ngày xưa quan niệm giáo dục chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Sĩ tử thời xưa chỉ có con đường tiến thân chủ yếu là con đường khoa mục. Vì vậy, trường thi chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức, nếu để xảy ra gian lận sẽ bị phạt tội rất nặng. Tuy nhiên, những hình phạt nghiêm khắc ấy vẫn chưa đủ sức răn đe, thực tế là vẫn còn xảy ra một số trường hợp gian lận trong thi cử. Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới còn khắc ghi hai trường hợp vi phạm trường thi là Ngô Sách Tuân và Cao Bá Quát.
 
Vụ việc gian lận trong thi cử của Cao Bá Quát được khắc ghi trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Vụ việc gian lận trong thi cử của Cao Bá Quát được khắc ghi trong Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu
thế giới

Tháng 12, năm Bính Tý (1696), Tham tụng Lê Hi có gửi gắm con mình cho Giám thí trường thi Thanh Hoa là Ngô Sách Tuân, nhưng cuối cùng quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Ngô Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng ém đi không tâu báo. Đến khi việc phát giác ra, tất cả đều bị tội nặng. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 34, mặt khắc 39 còn ghi chép lại như sau: “Tháng 1, Ngô Sách Tuân có tội, bị giết; Ngô Hải vì liên can, bị bãi chức; Phan Tự Cường được thăng chức thiêm đô. Lúc ấy, Sách Tuân giữ chức giám thí trường thi Thanh Hoa. Trước khi đi Thanh Hoa, Sách Tuân đến yết kiến tham tụng Lê Hy, Lê Hy đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình nói cho Sách Tuân biết. Sau đó quyển thi của con Lê Hy không được vào hạng trúng cách. Sách Tuân thấy trước kia có hiềm khích với Lê Hy, muốn nhân dịp này gây tình nghĩa, bèn bí mật đưa quyển thi của con Lê Hy cho khảo quan phê lấy đỗ. Đề điệu trường thi là phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, thề với Sách Tuân sẽ giấu kín đi cho. Việc này, bị Phan Tự Cường, tham chính Thanh Hoa, phát giác ra. Triều đình giao xuống cho các quan văn, quan võ hội bàn. Sách Tuân phải luận tội giảo, Ngô Hải vì không biết giữ lòng chính trực, bị bãi chức; các quan phúc khảo, giám khảo đều bị phạt, Tự Cường được thăng chức thiêm đô ngự sử”.
 
Năm Tân Sửu (1841), đơn cử có trường hợp chấm thi của Cao Bá Quát để thấy kỷ luật thi cử dưới triều Nguyễn khắt khe thế nào. Năm đó, Cao Bá Quát đang giữ một quan chức nhỏ (Hành tẩu) ở bộ Lễ, được sung vào làm sơ khảo trường thi hương Thừa Thiên. Trong khi chấm bài ở vòng một, ông thấy có số bài thi rất hay nhưng lại mắc đôi chút sai sót nhỏ phải bị đánh hỏng thật đáng tiếc. Vì lòng liên tài nên ông đã bàn bạc với một vị sơ khảo khác là Phan Nhạ (bạn đỗ Cử nhân đồng khoa với ông trước kia), dùng muội đèn chữa lại sai sót cho các quyển thi này. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 11, mặt khắc 13, 14, 15 còn ghi lại sự việc như sau: “Có hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 tên. Lại Trương Đăng Trinh là cháu gọi Trương Đăng Quế bằng chú, bác, quyển văn kỳ thứ hai bị Nội trường đánh hỏng, phần khảo là Nguyễn Văn Siêu cho là văn lý có thể lấy được, nói với quan Ngoại trường liệt vào hạng lấy đỗ. Chưa ra bảng, Chủ khảo Bùi Quỹ cho là chữ của Quát viết tốt, gọi ra Ngoại trường viết bảng. Văn Siêu giữ Quát ở lại ngủ đêm. Đến khi ra bảng, dư luận sĩ phu sôi nổi. Giám sát trường vụ, Hồ Trọng Tuấn, tham hặc là trường pháp không đúng. Việc này giao cho bộ Lễ và viện Đô sát tra xét nghị tội. Bọn Bá Quát thú nhận là sính bút làm càn, chứ không có ai dặn dò gửi gắm gì cả. Án xử Quát, Nhạ đều phải tội xử tử; Siêu phải tội phạt trượng, đồ; chủ khảo và giám khảo thì hoặc phải cách, hoặc phải giáng chức có khác nhau”.
 
Cuối cùng Cao Bá Quát cũng được tha và dù vi phạm luật lệ nhưng do tấm lòng quý trọng nhân tài chứ không có điều gì khuất tất, mờ ám trong việc chấm thi. Vua Thiệu Trị có phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ: bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê bỏ đi, cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước, hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được, đáng lẽ ra, cứ theo như lời bộ nghĩ mà trị tội, nhưng hãy tạm gia ơn tha cho tội đồ, mà chỉ cách chức, cho gắng sức theo làm việc ở bộ để chuộc tội. 
 
Tuy nhiên, để răn đe và là bài học cho những người khác nữa, Thự Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn đã tâu vua rằng: “Phép trường rất nghiêm, mà bọn Quát lại dám tự tiện làm việc tư túi, ngầm chữa quyển văn, nguyên là bản tâm chỉ cốt lấy đỗ có mấy tên, nhân thể làm tràn cả sang các quyển khác, làm cho lờ mờ lẫn lộn để che giấu cái gian của mình. Lập tâm như thế, phải nên xét cho rõ ràng. Các tên ấy, xin đều cách bỏ cử nhân đi, để cho nghiêm quy luật của trường thi”.
 
Có thể nói, chọn được người tài, có năng lực cho nước nhà sử dụng, chế độ thi cử phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Nếu còn tồn tại sự gian lận, dựa dẫm vào thế lực cha ông thì chỉ có những bọn quan lại dốt nát. Đó là bài học quý giá để biết việc xử lý nghiêm những sai phạm trong trường thi là rất cần thiết.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004;
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, 2012;
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, 1994;
4. Hồ sơ H28/9 Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H21/6, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6. Hồ sơ H21/8, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
7. Hồ sơ H21/35, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 
THƠM QUANG