Thống nhất đất nước 30/4: Sự cộng hưởng của nhiều nhân tố tổng hợp (Kỳ 1)

04:04, 15/04/2021

Ngày 30/4/1975 sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của dân tộc...

[links()]
Ngày 30/4/1975 sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là ngày Tổ quốc thống nhất, hòa bình sau bao nhiêu năm chiến tranh đau khổ với nhiều mất mát hy sinh. Những con người và cả lòng người bao năm lìa tan nay lại hợp, đó là niềm vui lớn của dân tộc Việt Nam. Mốc son của ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố tổng hợp.
 
Những đoàn xe nối đuôi tiến về dinh Độc Lập
Những đoàn xe nối đuôi tiến về dinh Độc Lập
 

Thống nhất đất nước từ lòng quả cảm và sức chịu đựng của “chân trần, chí thép”

 
Năm 2004, khi xuất bản cuốn “Hồi ký không tên”, cựu dân biểu 3 nhiệm kỳ chế độ Sài Gòn, cựu Tổng trưởng Thông tin chính quyền Dương Văn Minh Lý Quí Chung đã kết luận: “30 năm sau nhìn lại ngày 30/4 mới thấy rõ hơn giá trị của ngày giải phóng. Nếu không có ngày đó - chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của người Mỹ, giành được độc lập và thống nhất cho xứ sở - thì chắc chắn đất nước hôm nay không an bình và phát triển, ổn định như đang có”. Nhà báo Lý Quí Chung cũng khẳng định rằng nếu như các điều khoản của Hiệp định Paris được đem ra thi hành, ở miền Nam có một chính phủ liên hiệp thì chắc chắn cũng sẽ “là sự tiếp nối của cuộc xung đột dưới một hình thái mới, đầy hỗn loạn và bất ổn, có thể lại đổ máu và chết chóc; “bàn tay lông lá” của người Mỹ vẫn có điều kiện xộc vào gây chia rẽ hận thù giữa người Việt với người Việt; kinh tế của miền Nam vẫn lệ thuộc, tồn tại bằng viện trợ nhỏ giọt của các cường quốc đầy những ý đồ thôn tính; còn miền Bắc có lẽ vẫn sẽ khó khăn, vẫn ở trong tình trạng đối phó chiến tranh vì phải tiếp tục dồn sức chi viện cuộc đấu tranh ở miền Nam. Nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ tôi vẫn tưởng nằm mơ ”. Kể từ khi người Mỹ can dự vào tình hình Việt Nam, quân số của người Mỹ đã tăng lên không ngừng. Tới tháng 12/1967, quân số lính Mỹ đạt 497.498 quân, kết hợp với 60.276 lính quân đội các nước đồng minh của Mỹ (không tính lính Việt Nam Cộng hòa), nâng tổng quân số nước ngoài trên chiến trường Việt Nam đạt 557.774 lính và số lượng lính Việt Nam Cộng hòa đạt 634.475 lính, tăng 200.000 lính so với năm 1966. Tới ngày 31/3/1968, tổng quân số liên quân Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng hòa đạt 1.375.747 quân. 
 
Năm 1966, sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giành hàng loạt các chiến thắng, Hoa Kỳ bắt đầu đề cập tới giải pháp đàm phán hòa bình. Riêng trong 3 tháng đầu năm 1967, liên quân Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 884 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên. Trong 3 tháng đầu 1967, Không quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành 151.044 phi xuất (trong đó phi xuất hành quân là 30.231 cuộc) và 37.851 cuộc hải xuất oanh tạc và do thám miền Bắc. Trong giai đoạn 1966-1967, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bắt đầu sử dụng chất độc hóa học để khai quang các khu vực của Quân Giải phóng. 
 
Để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động: “70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ, 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt nam, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam ”. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn huy động quân đội các nước đồng minh của họ tham chiến tại Việt Nam như: Thái Lan, Philippines, Australia, New Zealand và Hàn Quốc với quân số lúc đông nhất lên tới 70.000 cùng khoảng 600.000 lính Quân đội Sài Gòn (lúc đông nhất). 
 
Trước lực lượng quân sự hùng hậu của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, các lực lượng kháng chiến Việt Nam đã phải chịu rất nhiều tổn thất nhưng cuối cùng đã buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh. 
 
Trong cuộc chiến đấu gian khổ này, đã có gần 850 nghìn liệt sỹ hy sinh. Cả nước có gần 45 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong số đó có những người mẹ như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có 9 con đẻ, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sỹ; má Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh có 8 con trai và 2 cháu là liệt sỹ v.v...
 
Nếu như trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, một cuộc chiến tranh được coi là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, mỗi người Đức phải chịu 27 kg bom đạn và mỗi km vuông chịu 5,4 tấn bom đạn; mỗi người Nhật chịu 1,6 kg và mỗi km vuông 0,43 tấn thì khi quân đội Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, mỗi người dân miền Bắc phải chịu 45,5 kg bom đạn và mỗi km vuông phải gánh chịu 6 tấn...
 
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61 phần trăm là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26 nghìn thôn bản ở miền Nam Việt Nam với diện tích 3,06 triệu ha. Gần 25% tổng diện tích miền Nam từ Bắc Trung Bộ đến Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 56% diện tích tự nhiên bị phun rải. Đây được xem là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam v.v...
 
Ở miền Nam, chỉ trong 4 năm, từ năm 1955-1958, cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ: “Khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên ta bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, Nhân dân bị bắt, bị tù đày, gần 20 vạn bị tra tấn thành tật, chỉ còn khoảng 5 nghìn so với 60 nghìn đảng viên trước đó. Bến Tre còn 162 đảng viên, Tiền Giang chỉ còn 92, Gia Định, Biên Hòa mỗi nơi chỉ còn 1 chi bộ đảng. Ở Khu V khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2-3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở đảng. Riêng Trị - Thiên chỉ còn 160/23.400 đảng viên trước đó”. 
 
Thế nhưng, trước sự khủng bố, giết chóc của kẻ thù, người dân vẫn kiên quyết bám đất, giữ làng. Rất nhiều các phong trào của người dân ở miền Nam đã góp phần không nhỏ cho sức mạnh để chiến thắng, đó là các phong trào: “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Thi đua giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...v.v...
 
Hàng loạt các nhà tù, các vụ thảm sát diễn ra trên khắp miền Nam. Những nhà tù như Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc... đã trở thành những cái tên ám ảnh, nỗi sợ hãi của nhân loại tiến bộ và là nơi thử thách cao nhất sức chịu đựng của con người. Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình kể lại: “Chúng tôi đi thăm những nơi đã giam cầm những chiến sỹ cách mạng, từ “nhà bò” thời thực dân Pháp đến “chuồng cọp” thời kỳ đế quốc Mỹ. Mặc dù đã được dọn dẹp nhưng những cảnh đày đọa tàn nhẫn anh chị em tù chính trị vẫn hiện ra mồn một trước mắt chúng tôi. Tôi càng thấm thía rằng mình đang được hưởng kết quả từ bao nhiêu hy sinh xương máu của các đồng chí đi trước”.
 
Ở miền Bắc, trong khốc liệt của chiến tranh ấy, miền Bắc vẫn là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Các phong trào vì miền Nam diễn ra rộng khắp trên toàn miền Bắc như: “Ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai tốt”, “Làm nghìn việc tốt”; “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” v.v...
 
Cuộc chiến đấu hy sinh và chịu nhiều mất mát khổ đau của người dân Việt Nam trên cả nước đã chinh phục trái tim, khối óc của những con người yêu tự do và hòa bình trên thế giới và làm cho kẻ thù chịu khuất phục. 
 
(CÒN NỮA) 
 
HỒNG PHÚC