Tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi

04:05, 27/05/2021

Trong bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi đăng trên Báo Sự Thật số 134 ra ngày 1/6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn trẻ em Việt Nam đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ em ở Liên Xô.

Trong bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi đăng trên Báo Sự Thật số 134 ra ngày 1/6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn trẻ em Việt Nam đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ em ở Liên Xô.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Việt Nam. Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Việt Nam. Ảnh tư liệu lịch sử
 
Bác Hồ nói về đời sống thiếu nhi Việt Nam và Liên Xô
 
Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” viết năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về nỗi cực khổ của thiếu nhi Việt Nam khi đất nước còn chưa được độc lập: “Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/Học hành giáo dục đã không/Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/Sức còn yếu tuổi còn thơ/Mà đã khó nhọc cũng như người già/Có khi lìa mẹ lìa cha/Để làm tôi tớ người ta bên ngoài”. Do đó, Người mong muốn là “bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.
 
Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (1948) của tác giả Trần Dân Tiên đã viết lại những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến về đời sống của thiếu nhi ở Liên Xô khi Người đặt chân lên đất nước này. 
 
Cuốn sách viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em nên Người nghiên cứu kỹ đời sống thiếu nhi ở Liên Xô. Chẳng hạn, lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần bác sĩ đến thăm khám nhiều lần. Người mẹ được nghỉ hai tháng trước, sau khi sinh đẻ và vẫn được hưởng lương. 
 
Những đứa trẻ được gửi ở những vườn trẻ và có người chăm sóc. Trẻ em được chu cấp áo quần sạch sẽ, được tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống đầy đủ. Tất cả đồ chơi đều do vườn trẻ cung cấp. Ngoài trường học thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em. Các thành phố lớn đều có cung văn hóa của thiếu nhi. Các thành phố đều có thư viện và cửa hàng sách đặc biệt cho trẻ em. Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Những trẻ em đặc biệt có thiên tài được chính phủ giúp đỡ. 
 
Do đó, cuốn sách viết: “Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con... Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan. Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân” .
 
Thiên đường của thiếu nhi này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ đến thiếu nhi Việt Nam. Người cũng muốn thiếu nhi Việt Nam “sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Nga”.
 
Trong tác phẩm “Liên Xô vĩ đại” (10/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ca ngợi việc Đảng và Nhà nước Liên Xô có chính sách chăm sóc tốt đối với thiếu nhi. Chẳng hạn, tại Liên Xô nhà đông con thì được phụ cấp và cả nước có 1.430 nhà nuôi trẻ em mồ côi. Bên cạnh đó, mỗi năm hơn 1.500.000 thiếu nhi được đi nghỉ ở các trại hè nhưng các em chỉ phải trả 1/3 chi phí.
 
Bác Hồ khuyên thiếu nhi Việt Nam học tập thiếu nhi Liên Xô 
 
Bắt đầu từ cuối năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông do Quốc tế Cộng sản thành lập tại Liên Xô. Sau Đại hội V Quốc tế Cộng sản (6/1924), Người được bầu làm Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản. Sau đó, Người được Quốc tế Cộng sản cử hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc). Ngày 22/7/1926, Người đã viết thư gửi Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin (Liên Xô) nói rõ: “Chúng tôi có tại đây một nhóm thiếu niên Việt Nam. Tuổi các em từ 12 đến 15. Đó là các thiếu niên cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam. Khi chúng tôi nói với các em về cuộc cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn, những người Lêninnít Nga trẻ tuổi thì các em rất sung sướng và đòi hỏi được đến với các bạn để thăm các bạn, học với các bạn và cũng như các bạn để trở thành những người Lêninnít trẻ tuổi chân chính. Chúng tôi đã hứa với các em là sẽ viết thư cho các bạn về vấn đề này. Và giờ đây tôi đã làm việc ấy. Chúng tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ không từ chối tiếp nhận 3 hay 4 bạn nhỏ Việt Nam của các bạn có phải không?”. Đề nghị trên của Người đã được phía Liên Xô đáp ứng một cách nồng nhiệt. Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó diễn biến phức tạp nên chủ trương này không thực hiện được.
 
Sau này, khi Liên Xô - Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 thì việc đưa thiếu nhi Việt Nam sang Liên Xô học tập đã được thực hiện. Năm 1959, trong dịp sang thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học ở Mátxcơva. Người căn dặn: “Các cháu cố gắng học tập để sau này về phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xứng đáng là người đã được Ðảng, Chính phủ, Nhân dân và thầy giáo Liên Xô săn sóc, dạy bảo, để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa cộng sản mà các cháu đang làm và sau này các cháu phải làm” .
 
Ngày 15/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho các cháu thiếu nhi. Trong thư Người căn dặn: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh”.
 
Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” (Báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1/6/1969). Người nhấn mạnh: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.
 
NGUYỄN VĂN TOÀN