Khu dự trữ sinh quyển Langbiang: Vẫn gặp khó trong việc tìm biểu tượng đặc trưng

02:07, 28/07/2014

(LĐ online) - Theo BCĐ xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang thì hiện nay đã đáp ứng được 7 tiêu chí chuẩn để có thể trở thành Khu dự trữ sinh quyển

(LĐ online) - Nhằm tìm ra tiếng nói chung, tìm ra những tiêu chí và giá trị cốt lõi nhất, hội nghị Tham vấn kỹ thuật xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang do UBND tỉnh Lâm Đồng - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 28/7 đã diễn ra, trước khi hoàn thành hồ sơ và đệ trình lên UNESCO vào cuối tháng 9/2014.
 
Nhiều người cho rằng, hai Logo hiện tại thiếu yếu tố văn hóa và không có dấu ấn đặc trưng của vùng Langbiang
Nhiều người cho rằng, hai Logo hiện tại thiếu yếu tố văn hóa và không có dấu ấn đặc trưng của vùng Langbiang
Theo BCĐ xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang thì hiện nay đã đáp ứng được 7 tiêu chí chuẩn để có thể trở thành Khu dự trữ sinh quyển, đó là: Các hệ sinh thái đại diện, vùng địa lý sinh học với dãy Bidoup - nóc nhà của cao nguyên (đỉnh Bidoup cao 2.278m so với mặt nước biển), đa dạng về thung lũng, gò đồi, núi cao, sông suối và các hệ chuyển tiếp; ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học: cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái (cung cấp, điều hòa, văn hóa); cơ hội cho phát triển bền vững vùng: hài hòa về kinh tế, môi trường, xã hội, du lịch sinh thái, chi trả dịch vụ, thuê rừng; diện tích đủ lớn: có 3 vùng rõ ràng, thực hiện được 3 chức năng để phát triển bền vững; thực hiện 3 chức năng: bảo tồn, phát triển, trợ giúp ở cả 3 vùng lõi, đệm và chuyển tiếp; sự tham gia của cộng đồng: du lịch cộng đồng, văn hóa cồng chiêng, hộ giữ rừng; cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng và có cả lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, giám sát.
 
Theo nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới tham dự tại hội nghị, cái thiếu còn lại để Khu dự trữ sinh quyển Langbiang có thể được công nhận chính là tiếng nói, màu sắc đặc trưng, ấn tượng của riêng mình để tạo được dấu ấn.
 
Theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch MAB (Ủy ban QG Chương trình Con người và sinh quyển) đó chính là màu sắc riêng biệt của Lâm Đồng; là sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên; đảm bảo được một nền kinh tế chất lượng; là bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo vệ.
 
Rất nhiều ý kiến tại hội thảo tham vấn quan trọng này, đều đồng nhất quan điểm, giá trị cốt lõi của Khu dự trữ sinh quyển Langbiang chính là sự kết nối đa dạng cảnh quan sinh học với không gian văn hóa bản địa; là mối giao hòa giữa cảnh quan sinh học và không gian văn hóa cồng chiêng; trên hết đó chính là giữa con người với con người, con người với thiên nhiên nơi đây.
 
Ông M.Hasegawa - Cố vấn cao cấp của tổ chức JICA cho rằng, để Khu dự trữ sinh quyển Langbiang sớm được UNESCO công nhận thì mọi tổ chức liên quan đều cần phải tuân thủ một nguyên tắc bắt buộc, đó là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, đồng thời cần phát triển một sự đồng thuận chung về các mục tiêu và phương hướng.
 
Đến thời điểm hiện tại, việc hoàn tất hồ sơ vẫn còn gặp nhiều trở ngại, do chưa tìm được sự đồng nhất về tên gọi và biểu tượng (Logo) của Khu dự trữ sinh quyển. Các phương án đưa ra, đều không nhận được sự đồng tình cao bởi chúng thiếu yếu tố văn hóa đặc trưng, chưa tạo được ấn tượng rõ nét, riêng có và dễ bị nhầm lẫn với một vùng miền nào đó.
 
Chủ trì tại hội nghị, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan hữu trách cần phải sớm vào cuộc để hoàn thành hồ sơ theo đúng kế hoạch. Đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng ưu tiên hàng đầu, chính là phải lấy ý kiến ủng hộ của cộng đồng, thiết kế được Logo và biểu tượng ấn tượng, đặc trưng. Đặc biệt phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông cũng như mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế.
 
Nếu được công nhận, Khu dự trữ sinh quyển Langbiang sẽ là thành viên thứ 9 trong gia đình Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, với 8 thành viên trước đó, bao gồm: Cần Giờ, Đồng Nai, Cát Bà, Sông Hồng, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm và Cà Mau. Cũng chỉ trong vòng 10 năm, từ 2000 - 2010, Việt Nam đã được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển nói trên.
 
Hồ sơ của Khu dự trữ sinh quyển Langbiang đang trong giai đoạn “nước rút” để hoàn tất, bởi theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, việc đệ trình hồ sơ lên UNESCO tại Paris (CH Pháp) phải hoàn thành trước 30/9/2014, nếu sau mốc thời gian này, việc công nhận Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển sẽ phải chờ thêm một năm nữa.
 
Tuấn Linh