Nặng lòng với khoa học công nghệ

08:06, 06/06/2019

Ðó là GS. TS Dương Tấn Nhựt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên có đóng góp lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của Ðà Lạt - Lâm Ðồng. 

Ðó là GS. TS Dương Tấn Nhựt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên có đóng góp lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của Ðà Lạt - Lâm Ðồng. 
 
Giáo sư, Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt
Giáo sư, Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt
 
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Khánh Hòa, GS. TS Dương Tấn Nhựt lại xem Đà Lạt là quê hương thứ hai khi gắn bó hơn 33 năm với thành phố hoa. Yêu và đam mê nghiên cứu khoa học, chàng sinh viên Khoa Sinh học - Trường Đại học Đà Lạt quyết định quay về Việt Nam để cống hiến cho đất nước sau khi đi nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Mặc dù được nhiều viện, trường ở Nhật và các quốc gia nổi tiếng trên thế giới mời làm việc với mức thu nhập tốt, nhưng vị giáo sư nặng lòng với KHCN của Việt Nam vẫn quyết định trở về công tác trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Ông đã công bố hơn 360 bài báo khoa học trong nước và quốc tế cũng như hướng dẫn, đào tạo gần 400 người ở các bậc: tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, học sinh trung học đi thi quốc tế...
 
Thầm lặng nghiên cứu khoa học, GS. TS Dương Tấn Nhựt là người đóng góp rất lớn cho sự phát triển KHCN của Đà Lạt - Lâm Đồng. Về nước 17 năm, ông chủ nhiệm hơn 15 đề tài, trong đó, phải kể đến đề tài nghiên cứu về sâm Ngọc linh. Ông được thế giới biết đến qua việc xây dựng được quy trình nhân giống thành công sâm Ngọc linh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, góp phần bảo tồn nguồn giống cây quý hiếm này. Hiện, ông đang tiếp tục nghiên cứu hướng di thực của sâm Ngọc linh, để loại dược liệu quý này có thể phát triển được ở nhiều nơi có khí hậu tương đồng chứ không chỉ ở riêng Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi.
 
Gắn bó với Đà Lạt, GS. TS Dương Tấn Nhựt là người có công đưa thương hiệu “Hoa Đà Lạt” vang xa. Ông nghiên cứu và nhân giống thành công nhiều giống hoa từ kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, giúp Đà Lạt - Lâm Đồng chủ động nguồn giống cây. Bằng tâm huyết đóng góp cho KHCN địa phương đi xa hơn, ông là người góp phần đưa hoa Đà Lạt vươn ra thế giới khi tham gia cố vấn, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, con người... cho các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu hoa. 
 
Đam mê, tâm huyết với KHCN - ngành theo đuổi gắn với chuyên môn, GS. TS Dương Tấn Nhựt khát khao KHCN ở Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển bậc nhất cả nước, bởi lợi thế từ khí hậu, đất đai, nguồn nhân lực. Theo ông, đầu tư cho KHCN ở Lâm Đồng hiện nay chưa đủ nhiều để KHCN phát triển tương xứng với tiềm năng. Chứng kiến sự chuyển mình của Đà Lạt - Lâm Đồng, vị giáo sư mong muốn mọi thứ ở Đà Lạt phải phát triển vượt trội, trong đó, KHCN là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
TUẤN HƯƠNG