Hội thảo "Giải pháp tổng thể giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước chảy vào thác Cam Ly"

03:12, 13/12/2019

(LĐ online) - Ngày 12/12, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND TP Đà Lạt tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp tổng thể quản lý nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước chảy vào thác Cam Ly"...

(LĐ online) - Ngày 12/12, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND TP Đà Lạt tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể quản lý nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước chảy vào thác Cam Ly”. Tham dự hội thảo có các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, của TP Đà Lạt và các nhà khoa học về môi trường và xử lý chất thải.
 
Ông Phan Văn Phấn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội thảo
 
Đề dẫn hội thảo nhấn mạnh: Thác Cam Ly là một địa danh nổi tiếng của Đà Lạt từng đi vào thi ca, nhạc hoạ bởi vẻ đẹp của nó. Nhưng những năm gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng do chất thải lỏng và rắn (rác sinh hoạt) từ các khu dân cư dọc theo các con suối chảy ngang qua thành phố đổ về thác. Nguồn nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối làm nhiều du khách tìm đến phải thất vọng. Chính quyền thành phố Đà Lạt, cùng các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh đã có những biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, nhưng kết quả đạt được chưa nhiều. Vì đây là bài toán khó mà lời giải vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính quản lý đô thị, vừa mang tính giáo dục ý thức của người dân.
 
Thượng nguồn Cam Ly đoạn qua TP Đà Lạt khoảng 10,2 km gồm: đoạn qua Phường 5 từ hạ lưu hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly đã được xây bờ kè dài 2,2 km; đoạn qua Phường 1 (còn gọi là suối Nguyễn Văn Cừ, giữa đường Nguyễn Văn Cừ và Hai Bà Trưng) dài 0,9 km cũng được xây bờ kè; đoạn qua Phường 8 dài 3,1 km và đoạn qua Phường 7 (suối thượng nguồn) dài 4 km có bờ tự nhiên, phần lớn diện tích 2 bên bờ sản xuất rau, hoa. Để đánh giá thực trạng ô nhiễm, Sở Tài Nguyên Môi trường đã thực hiện quan trắc ở 5 vị trí: Đập Thái Phiên (đầu nguồn, chịu tác động bởi xuất nông nghiệp và dân cư), cầu Cẩm Đô (chịu tác động mạnh của chất thải sinh hoạt đô thị), thác Cam Ly (nhập lưu của các nhánh suối trong thành phố), cầu Cam Ly (nước thải đã qua xử lý ở Trạm xử lý nước thải TP Đà Lạt), cầu Hoà Lạc - Lâm Hà (hạ lưu suối Cam Ly). Kết quả cho thấy, nguồn nước suối Cam Ly có các thông số vượt quá mức quy chuẩn nhiều lần ở tất cả các vị trí quan trắc. Cụ thể là, suối Cam Ly đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và chất rắn lơ lửng, chất lượng nước được xếp vào nhóm ô nhiễm nặng (chỉ có thể phục vụ thông thuỷ, tưới tiêu). 
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
 
Nguyên nhân ô nhiễm do nước thải đô thị, nước mưa chảy tràn rửa trôi rác thải cùng lượng hợp phân bón hoá học trong đất canh tác nông nghiệp; rác thải rắn từ hoạt động sinh hoạt, dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp (các chất không có khả năng phân huỷ như: bao bì, lon, hộp nhựa, bịch nilon, thuỷ tinh, kim loại)… Kết quả khảo sát cũng cho thấy nguồn nước từ suối Phan Đình Phùng (đoạn qua các phường 8, 2, 5 có chất lượng đỡ ô nhiễm hơn so với nguồn nước từ hạ lưu hồ Xuân Hương. Vì phần lớn nước thải sinh hoạt khu vực này đã được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của TP Đà Lạt. Nguồn gây ô nhiễm chính chủ yếu phát sinh từ khu vực những dòng suối đổ ra hồ Xuân Hương (khu vực thượng nguồn phía trên cầu Sắt gần Vườn hoa, phía cầu Phạm Hồng Thái) và đoạn suối từ đập tràn cầu Ông Đạo, khu vực Phường 4, Đồng Tâm, Gio An, Huyền Trân Công Chúa đến thác Cam Ly. 
 
Các ngành chức năng, chính quyền các cấp, người dân thành phố và du khách khi đến Đà Lạt cần làm gì để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Đó là các giải pháp của các nhà quản lý, nhà khoa học đã đề cập đến trong nhiều tham luận. Cần thúc đẩy công tác kiểm soát nguồn thải (rắn, lỏng) do các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân bằng các giải pháp cụ thể: Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và du khách về bảo vệ môi trường; rà soát các hộ dân cư, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất trên lưu vực để yêu cầu khẩn trương đấu nối hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung của thành phố; kiểm soát nguồn thải từ hoạt động nông nghiệp, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực thượng nguồn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi xả thải trực tiếp vào nguồn nước, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, truyền thông đại chúng đối với việc bảo vệ môi trường… 
 
Sau hội thảo, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh sẽ tổng hợp toàn bộ ý kiến tham luận của các nhà khoa học, của những người yêu mến Đà Lạt gửi đến các ngành, các cấp. Từ đó xây dựng chương trình tổng thể cùng hành động giảm thiểu ô nhiễm thác Cam Ly, trả lại sự trong lành vốn có của địa danh nổi tiếng một thời. 
 
QUỲNH UYỂN