Nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu tại Lâm Đồng

04:08, 25/08/2020

(LĐ online) - Ngày 25/8, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học "Nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu tại Lâm Đồng".

(LĐ online) - Ngày 25/8, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu tại Lâm Đồng”.
 
TS. Phan Đinh Phúc - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
TS. Phan Đinh Phúc - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
 
Là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, hơn 10 năm qua, việc nuôi cá tầm, cá hồi vân ở Lâm Đồng ngày càng mở rộng về quy mô và diện tích, sản lượng không ngừng tăng bình quân hàng năm 25 - 30%. Việc khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên nước lạnh, bổ sung thêm loài cá nuôi phù hợp có giá trị kinh tế cao, giảm sức ép của nghề nuôi cá nước lạnh lên 2 loài cá tầm và cá hồi vân, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế địa phương là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. 
 
Cá trắng châu Âu (Coregonus lavaretus) là loài có thể sinh trưởng và phát triển cả môi trường nước ngọt và nước lợ. Cá thích nghi ở môi trường nước sạch, có dòng chảy nhẹ, hàm lượng oxy hòa tan cao; chúng có thể sinh trưởng ở khoảng nhiệt độ rộng và cao hơn cá hồi vân đang được nuôi tại Lâm Đồng, nhiệt độ thích nghi từ 1 - 26 o và nhiệt độ tối ưu khoảng 15 - 18 o. Đây là giống cá nước lạnh triển vọng mới vì chất lượng thơm ngon, thịt cá màu trắng trong, hàm lượng dinh dưỡng cao, giá bán cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với cá hồi vân, mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Sau gần 4 năm thực hiện nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu, nhóm các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III do TS. Phan Đinh Phúc làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành: Nuôi thí nghiệm cá trắng châu Âu tại 4 địa điểm gồm xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng), xã Đạ Nhim (Lạc Dương), thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais (Lạc Dương), thôn Klong Klanh, xã Đạ Chais (Lạc Dương) bằng cá giống mua từ Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa; sử dụng 100% thức ăn viên công nghiệp chuyên dùng cho cá tầm, lượng thức ăn mỗi ngày từ 2 - 4% tổng khối lượng đàn cá, cho ăn 2 lần/ ngày (vào 7 giờ và 17 giờ); đánh giá khả năng thích nghi của cá trắng châu Âu, theo dõi các yếu tố môi trường, bệnh thường gặp; tiếp tục nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu thương phẩm với quy mô sản xuất; khi thả cá giống cỡ 42,5 - 43,6g/con, sau thời gian nuôi kéo dài 17 tháng, đàn cá nuôi trung bình đạt 1kg/con, đề tài đã sản xuất ra 3.150,3 kg cá, tỷ lệ cá sống đạt hơn 70%; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá trắng châu Âu, điều tra tiềm năng phát triển nuôi cá trắng châu Âu, tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân…  
 
Qua đánh giá khả năng thích nghi, các nhà khoa học đã chỉ ra: Cá trắng châu Âu có thể nuôi ở điều kiện khí hậu huyện Lạc Dương, Đam Rông, không thích nghi với điều kiện khí hậu huyện Đức Trọng và vùng có khí hậu tương tự; đồng thời cảnh báo một số bệnh thường gặp khi cá còn nhỏ như xuất huyết, ăn mòn vây, thối mang, mất nhớt; việc nâng sản lượng nuôi phải được tiến hành từ từ để thích ứng với thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh vì đây là một loại thực phẩm hoàn toàn mới. Mặt khác, loài cá này phải nhập giống từ nước ngoài về nên không chủ động được chất lượng con giống; cần có biện pháp ổn định chất lượng giống thì nghề nuôi cá trắng châu Âu trên địa bàn tỉnh mới phát triển bền vững. 
 
Hội đồng nghiệm thu đã thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được của đề tài và chỉ ra những thiếu sót cần bổ sung, hoàn thiện, đặc biệt là việc cần đánh giá xác thực hiệu quả kinh tế, độ phù hợp với thực tiễn của cá trắng châu Âu; từ đó làm cơ sở nhân rộng sản xuất góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho nghề nuôi cá nước lạnh của tỉnh. 
 
QUỲNH UYỂN