Nghiệm thu Dự án ''Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh''

05:12, 21/12/2020

Ngày 17/12, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu Dự án "Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh".

Ngày 17/12, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu Dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đạ Tẻh”.
 
Sau 3 năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh đã nỗ lực tổ chức triển khai dự án một cách hiệu quả tại 3 xã Quốc Oai, Mỹ Đức, Đạ Pal là 3 địa bàn có diện tích trồng dâu nuôi tằm trọng điểm của huyện. Đã tiến hành chuyển giao các quy trình trồng dâu, nuôi tằm tiên tiến phù hợp với điều kiện huyện Đạ Tẻh. Cụ thể, đã chuyển giao quy trình trồng và thâm canh giống dâu mới TBL03, S7-CB; quy trình cải tạo giống dâu cũ bằng biện pháp canh tác; quy trình phòng trừ sâu bệnh hại dâu; quy trình nuôi tằm 2 giai đoạn; quy trình phòng trừ bệnh hại tằm; quy trình lên né, phân loại kén, bảo quản kén ươm...
 
Dự án đã xây dựng được 5 mô hình, gồm: Mô hình trồng mới vườn dâu với 44 hộ tham gia trồng 13,15 ha dâu giống mới S7-CB và TBL03 năng suất trên 25 tấn/ha; mô hình thâm canh vườn dâu bằng biện pháp canh tác với quy mô 9,8 ha/30 hộ tham gia sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất năm thứ nhất 22 tấn/ha; mô hình nuôi tằm con tập trung 3 hộ của 3 xã tham gia; mô hình nuôi tằm lớn trên nền nhà với 74 hộ gia đình, thời gian nuôi tằm tuổi lớn khoảng 18 ngày, sản lượng kén bình quân 42,5 kg/hộp tằm lớn, thu lãi khoảng 2,58 triệu đồng/hộp giống, bình quân 1 năm 1 ha dâu nuôi được 35 hộp giống tằm, người dân thu được 93 triệu đồng/ha dâu/năm. Qua đó có thể thấy, nuôi tằm ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật như đảm bảo chất lượng lá dâu, chất lượng trứng giống và tằm con ổn định, vệ sinh sát trùng nhà cửa, dụng cụ trước và sau khi nuôi, sử dụng thuốc sát trùng tiêu độc mình tằm đúng cách làm cho tằm khỏe, phát dục đều, giảm tỷ lệ rớt né, sản phẩm kén thu được đồng đều. Điều đó đã chứng minh cho sự thành công của mô hình. Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có 201 hộ thực hiện liên kết với diện tích 74 ha dâu; tổng sản phẩm kén tạo ra từ dự án là 233.630 kg. Để kết nối với Nhà máy ươm tơ dệt lụa Minh Quân (tại xã Mỹ Đức, công suất 2 tấn kén/ngày), huyện Đạ Tẻh đã vận động thành lập 6 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm chất lượng cao, 3 HTX dịch vụ dâu tằm. Các HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân và thu gom sản lượng kén cung cấp cho nhà máy sản xuất; qua đó nâng cao chất lượng kén, ổn định giá cả, người nông dân yên tâm sản xuất, nhà máy ươm tơ ổn định nguồn nguyên liệu. 
 
Hội đồng khoa học đánh giá, thành công của Dự án đã đẩy nhanh ứng dụng KHCN và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dâu tằm, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người nông dân, phát triển bền vững ngành trồng dâu nuôi tằm của huyện, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.
 
QUỲNH UYỂN