Chuyển giao mô hình cơ sở dữ liệu GIS đề tài khoa học về Tây Nguyên

03:05, 10/05/2021

(LĐ online) - Ngày 10/5, đề tài "Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ"...

(LĐ online) - Ngày 10/5, đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ” (mã số TN18/C05) do PGS. TS. Nguyễn Trường Xuân - Phó chủ nhiệm đề tài và bà Lê Thị Kim Thoa, Thư ký đề tài cùng nhóm tác giả trực tiếp chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Thư viện Trường Đại học Đà Lạt (là bên thụ hưởng) với sự chứng kiến của PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng, Phó hiệu trưởng Nhà trường. Đây là một trong 32 đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 2016-2020), do GS. VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm Chủ nhiệm. 
 
Lễ chuyển giao đề tại tài Trường Đại học Đà Lạt
Lễ chuyển giao đề tại tài Trường Đại học Đà Lạt
 
Mục tiêu của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 gồm: (1) Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế: Xác định lĩnh vực liên kết vùng và hội nhập quốc tế hiệu quả và đặc thù; đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp. (2) Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến thích hợp; lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, dịch vụ. (3) Cung cấp giải pháp khoa học công nghệ nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững. (4) Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực khoa học công nghệ tại Tây Nguyên.
 
Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là chương trình tiếp nối Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011-2015 nhằm hoàn thiện chuyển giao các kết quả khoa học đã nghiên cứu thành công vào thực tiễn. Nội dung của Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 có hàng chục mô hình thực địa, hàng trăm bản đồ và hàng vạn dữ liệu khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên - phòng tránh thiên tai, khoa học xã hội, an ninh - quốc phòng và khoa học công nghệ ứng dụng. 
 
Chuyển giao phương pháp truy cập dữ liệu cho cán bộ Thư viện
Chuyển giao phương pháp truy cập dữ liệu cho cán bộ Thư viện
 
Đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp Thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ” do TS. Nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Đình Kỳ - Phó chủ nhiệm kiêm Chánh văn phòng Chương trình làm Chủ nhiệm đề tài. Tại Trường Đại học Đà Lạt, các tác giả đề tài chuyển giao nội dung, thao tác bước đầu phương pháp truy cập dữ liệu cho cán bộ Thư viện. Cùng với Trường Đại học Đà Lạt, đề tài mã số TN18/C05, dịp này đồng thời chuyển giao cho 8 đơn vị khác gồm: 5 Sở Khoa học và Công nghệ 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lắc, Gia Lai, Kon Tum), Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên tại Đà Lạt, Trường Đại học Tây Nguyên và Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên; máy chủ đặt tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.  
 
MINH ĐẠO