“Kỳ tích” thu ngân sách

DIỄM THƯƠNG  01:25, 19/01/2023

Năm 2022, tiến độ thu ngân sách vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ, là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Con số vượt 13 ngàn tỷ, lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng chạm tới, như một kỳ tích trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.

Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng lại tiếp tục một năm phấn đấu, khẳng định cho khát vọng bứt phá, vươn lên của vùng đất Nam Tây Nguyên
Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng lại tiếp tục một năm phấn đấu, khẳng định cho khát vọng bứt phá, vươn lên của vùng đất Nam Tây Nguyên

GIỮ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19; kinh tế và chuỗi cung ứng phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro do ảnh hưởng bởi giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên nhưng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh đạt kết quả ấn tượng.

Nhờ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Toàn bộ 18/18 chỉ tiêu của tỉnh đặt ra đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Ấn tượng nhất là mức tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 11,84%; thu ngân sách 13.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng hơn 18% so với năm trước.

Về số thu trên địa bàn 12/12 địa phương thực hiện thu đạt trên 100% dự toán; tất cả các địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ.

Để đạt được kết quả trên phải kể đến sự chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính, NSNN đã đề ra. Cục Thuế tỉnh đã tích cực triển khai hóa đơn điện tử theo lộ trình đề ra và được Tổng cục Thuế khen thưởng đột xuất, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp không phải trực tiếp đến cơ quan thuế cũng như các cơ quan liên quan để giải quyết các thủ tục về thuế, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế.

Các ngành, các địa phương đã chú trọng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội; kiểm soát cơ bản được giá cả thị trường. Đáng kể, ngành Thuế và các địa phương đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, rà soát từng nguồn thu, từng sắc thuế để đảm bảo thu kịp thời, thu đúng, thu đủ sát với thực tế phát sinh. Nhờ đó, trên toàn tỉnh có một số khoản thu tăng so với cùng kỳ năm 2021 và đạt cao so với tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao.

XUNG LỰC MỚI TỪ THU VƯỢT NGÂN SÁCH 

Xung lực mới phải kể đến trong năm 2022 ở các địa phương là huyện Bảo Lâm, với số thu ấn tượng, chỉ nửa đầu năm đã hoàn thành dự toán, và đến tháng 9/2022 đã cao hơn 130% so với cùng kỳ, đặc biệt có những khoản thuế phí huyện Bảo Lâm thu vượt lên đến trên 200% dự toán. Tính đến ngày 22/11/2022, việc thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Bảo Lâm đạt 1.143,76 tỷ đồng, bằng 192% dự toán và bằng 192% so cùng kỳ. Đây là những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, là điểm sáng trong thu NSNN toàn tỉnh.
Ông Lưu Đức Vinh - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thuế khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm phân tích, với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, nên ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án chống thất thu NSNN trên địa bàn huyện; định kỳ tổ chức họp hằng tháng để tập trung rà soát, phân tích, xác định nguyên nhân nợ thuế và các khoản thu chưa đạt, từ đó đề ra biện pháp chỉ đạo xử lý nợ đọng thuế và xem xét giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Song song đó, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN của các địa bàn, phân tích các nhân tố làm ảnh hưởng, tăng giảm nguồn thu đối với từng khoản thu, từng sắc thuế, từng doanh nghiệp để có biện pháp kịp thời xử lý...
Ngoài huyện Bảo Lâm là điển hình lập “kỳ tích” về số thu ngân sách, toàn bộ các địa phương còn lại như TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Đức Trọng... cũng đều có số thu ngân sách vượt dự toán. 
Với những số thu ấn tượng năm 2022, các huyện, thành trên toàn tỉnh đã bắt đầu những giải pháp, kế hoạch thu NSNN cho năm 2023, với một xung lực mới, khí thế mới.

“ĐƯỜNG DÀI PHẢI CÓ… NGỰA HAY”

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng phân tích, thu tiền sử dụng đất là nguồn thu lớn cho NSNN, là nguồn lực tài chính quan trọng để tăng nguồn chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ phải cùng với chính quyền địa phương tăng cường tìm hiểu và phân tích thị trường, nắm bắt nhu cầu của người dân, nhà đầu tư về bất động sản, thực hiện các phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất thành công, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện dự án đô thị, dự án bất động sản nộp tiền sử dụng đất kịp thời, kiên quyết thu hồi tiền thuế nợ đọng. Đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu dân cư mới, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng được phê duyệt. 

Các đợt tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, cần sớm hoàn thiện các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Các bộ phận chuyên môn thuộc cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài nguyên và môi trường để đối chiếu các thông tin hồ sơ địa chính của người nộp thuế; bổ sung thông tin, tài liệu để bảo đảm thông tin giữa 2 đơn vị thống nhất và việc xác định nghĩa vụ tài chính là đầy đủ căn cứ pháp lý. Ngay sau khi có các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kết quả, các cơ quan thu tiến hành thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN. 

Để đảm bảo nguồn thu bền vững - “đường dài phải có ngựa hay”, cần chủ động, bồi dưỡng nguồn thu, chống nợ đọng thuế, đặc biệt nỗ lực kêu gọi các dự án. Trong sử dụng quỹ đất, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả, không chú trọng vào số thu tuyệt đối hàng năm. Đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn do đó để tạo nguồn thu bền vững, trong thời gian tới cần tập trung vào việc phát huy hiệu quả các dự án, tăng giá trị trên diện tích thay vì tăng diện tích, để bảo đảm nguồn thu bền vững trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo: Các sở, ngành phải có kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 23 bằng việc cụ thể, sản phẩm cụ thể. Phấn đấu thu ngân sách năm 2023 đạt 14.500 tỷ đồng và phải có giải pháp ngay từ bây giờ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên các khoản chi chưa thật sự cần thiết. Để tiếp tục đạt mục tiêu tăng thu NSNN trong năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu; đồng thời thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của UBND tỉnh, của Bộ Tài chính về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp NSNN.

Một mùa xuân mới lại về mang bao niềm vui, sự kỳ vọng cũng như những thách thức mới. Những thành tựu nổi bật trên cho thấy, tỉnh Lâm Đồng đã có những bước đi đúng đắn, vững chắc trên con đường trở thành cực tăng trưởng mới khu vực Tây Nguyên.