Nông dân Cát Tiên tất bật cho vụ trái cây tết

H.SA - H.THẮM 04:44, 10/01/2023

(LĐ online) - Thời điểm cách Tết Nguyên đán chỉ chưa đầy nửa tháng như hiện nay, các nhà vườn trồng bưởi, quýt đường tại huyện Cát Tiên không lúc nào ngơi tay. Ai cũng tất bật với các công đoạn chăm sóc, thu hoạch, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm với chất lượng cao nhất. 

Từ 20 tháng Chạp trở đi, các nhà vườn bắt đầu tập trung nhân lực thu hoạch bưởi
Từ 20 tháng Chạp trở đi, các nhà vườn bắt đầu tập trung nhân lực thu hoạch bưởi

Đặc biệt, từ 20 tháng Chạp trở đi, các nhà vườn bắt đầu tập trung nhân lực cắt trái, phân loại và đóng thùng để xuất hàng. Ai cũng chờ đón vụ tết bán được giá cao.

Vụ bưởi tết năm nay, gia đình ông Đỗ Kim Thành ở Thôn 1, xã Quảng Ngãi có 1 ha bưởi cho thu hoạch. Hiện nay, gia đình đang tập trung tưới nước và bón phân cho bưởi chín kịp tết, dự kiến khoảng ngày 20 tháng Chạp, thương lái sẽ đến cắt. Với trọng lượng mỗi quả nặng từ 1,5 - 1,8 kg, gia đình có thể thu được khoảng 7 tấn bưởi. Hiện nay, bưởi tết được bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg loại 1 và 20.000 - 25.000 đồng/kg loại 2, vụ bưởi tết năm nay, gia đình ông Thành dự kiến thu về gần 200 triệu đồng. 

Theo ông Thành, để có bưởi bán đúng vào dịp tết, gia đình đã chủ động cắt cành từ tháng 6 âm lịch. Mặc dù thời tiết thường xuyên có mưa lúc cây ra hoa đã làm giảm năng suất nhưng nhờ chăm sóc kỹ nên vườn bưởi cho trái đẹp, được thương lái đến xem và đặt mua từ sớm. 

“Cây bưởi cho thu hoạch quanh năm nhưng được giá nhất là dịp tết. Bưởi bán tết chỉ để trái đơn, nếu giữ nguyên chùm thì quả sẽ nhỏ lại không to tròn. Một quả bưởi chưng tết đẹp là có lớp vỏ bên ngoài xanh, mịn, tròn xoe và kích thước vừa phải. Bên cạnh đó, hái bưởi chưng tết phải nhẹ nhàng, dùng kéo cắt còn dư cuống, lá đầy đủ. Cuống nhiều lá càng thêm đẹp vì mang ý nghĩa cành lộc sinh sôi, nảy nở”, ông Thành nói. 

Trong khi đó, nhiều nhà vườn trồng quýt đường tại thôn Nghĩa Thủy, xã Quảng Ngãi lại đang tất bật với công việc chăm sóc vườn, sẵn sàng đưa trái quýt địa phương ra thị trường. 

Gia đình anh Vũ Minh Chung ở thôn Nghĩa Thủy, xã Quảng Ngãi hiện cũng đang có 2 ha quýt đường đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Anh Chung cho biết, trung bình mỗi tuần, gia đình anh sẽ thu hái tỉa chừng hơn 3 tạ quýt để bán cho thương lái quanh vùng. Đến thời điểm đầu tháng 11, gia đình bắt tay vào làm hàng tết. Trong đó, anh tập trung tưới nước, bón phân, tỉa cành; đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học cho sạch sâu bọ, côn trùng, hạn chế sử dụng thuốc hóa học nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Mặt khác, những cành nặng được anh dựng giàn cẩn thận nhằm chống cho cây gãy cành, ngã đổ. 

Ông Nguyễn Xuân Việt – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho biết: Những năm qua, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Quảng Ngãi đã phát triển mạnh các diện tích trồng cây ăn trái với tổng diện tích 155 ha, diện tích cho thu hoạch là 40 ha, năng suất trung bình 75 tạ/ha, sản lượng đạt 300 tấn. 

Hiện nay, trên địa bàn xã cũng đã có 1 HTX cây ăn trái với 38 xã viên. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn trái, xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân; đồng thời, hướng dẫn cho các hộ cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng. Mặt khác, địa phương cũng tích cực hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. 

Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thônhuyện Cát Tiên cho biết: Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, trên toàn huyện Cát Tiên đã phát triển diện tích cây ăn trái lên đến 1.047 ha. Đến nay, huyện Cát Tiên đã hoàn thành hồ sơ và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét công nhận mã số vùng trồng cho 7 vùng cây ăn trái trên địa bàn với tổng diện tích hơn 430 ha; trong đó, có vùng trồng bưởi da xanh phục vụ tết của HTX Cây ăn trái xã Quảng Ngãi với diện tích 15,8 ha/13 hộ tại Thôn 1, xã Quảng Ngãi. 

Việc xây dựng mã số vùng trồng sẽ góp phần đảm bảo cho người nông dân đáp ứng các yêu cầu về sản xuất theo quy trình nhất định, qua đó hướng đến xuất khẩu trong tương lai. Đồng thời, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và nâng cao giá trị, giá thành sản phẩm và thu nhập.