Di Linh: Tín hiệu vui trong thu hút đầu tư

NGỌC NGÀ 01:06, 17/04/2023

Di Linh đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Và cho đến nay, việc thu hút đầu tư trên địa bàn này đã có được những tín hiệu vui nhất định.

Di Linh là địa bàn có nhiều tiềm năng và nguồn lực để đầu tư và phát triển
Di Linh là địa bàn có nhiều tiềm năng và nguồn lực để đầu tư và phát triển

Ông Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh khẳng định, bên cạnh nguồn lực Nhà nước được ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo, công nghệ viễn thông; huyện Di Linh cũng đang rất nỗ lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, góp phần phát triển địa phương.

Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết thêm, hiện nay, địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn và chuẩn bị tốt các điều kiện để kêu gọi đầu tư ở 4 lĩnh vực chính gồm: nông nghiệp; công nghiệp; du lịch, dịch vụ và văn hóa - xã hội. Huyện cũng đã thành lập tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để lập hồ sơ thông tin của danh mục dự án thu hút đầu tư, đồng thời, xây dựng cẩm nang đầu tư. Huyện Di Linh cũng đã nhìn nhận, đánh giá lại kết quả thực hiện thu hút các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư của cả giai đoạn 2016 - 2020 để rút kinh nghiệm cho công tác xây dựng danh mục dự án đầu tư của giai đoạn mới 2021 - 2025.

Sau những nỗ lực, hiện nay, việc thu hút đầu tư trên địa bàn này cũng đã có được những tín hiệu vui nhất định. Theo đó, huyện Di Linh đã kêu gọi đầu tư dự án khai thác và vận hành nhà máy khai thác nước mặt hồ Ka La. Vận động, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm như: cây tiểu cảnh ở Đinh Lạc, cửa hàng giới thiệu sản phẩm bơ, sầu riêng, cà phê, chè ở Di Linh, sản phẩm mắc ca ở Hòa Ninh,... 

Đối với việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại các cụm công nghiệp do địa phương quản lý; huyện Di Linh đã kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng các nhà máy chế biến, đóng gói, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, trung tâm chuyển giao kỹ thuật,... trong Cụm công nghiệp Gia Hiệp, Tam Bố.

Cụ thể, đã thu hút 5 doanh nghiệp ngoài ngân sách vào tại Cụm công nghiệp Gia Hiệp, gồm: Công ty Cổ phần Hiệp Phú khai thác và chế biến sét Bentonite; Công ty TNHH Nông nghiệp INOVA Đà Lạt sản xuất, kinh doanh - xuất khẩu các loại cây giống, hạt giống hoa, sản phẩm nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp; Công ty TNHH Olam Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng thu mua - chế biến và xuất khẩu cà phê; Công ty TNHH KumNong chế biến nông sản; Công ty TNHH Đá ốp lát Gia Hiệp - Bảo Nguyên khai thác đá, cắt tạo dáng và hoàn thiện đá.

Tại Cụm công nghiệp Tam Bố với quy mô diện tích 30 ha, hiện đang có Nhà máy Phân bón Việt Mỹ của Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Việt Mỹ - Chi nhánh Tam Bố, Di Linh; Trạm trung chuyển xăng dầu V&R và Công ty TNHH Mỏ đá Hùng Vương thuê đất để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Huyện Di Linh đã chủ động mở rộng kết nối với các địa phương có tiềm lực phát triển kinh tế như quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) để đẩy mạnh hợp tác phát triển. Trong sự hợp tác đó có đẩy mạnh các hoạt động về xúc tiến đầu tư. Và cuối tháng 3 vừa qua, Ban Dân vận Quận ủy Bình Thạnh đã tổ chức Chương trình “Dân vận khéo - Kết nối Di Linh” năm 2023 đến với xã Đinh Trang Hòa. Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh và huyện Di Linh, Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. 

Đặc biệt, huyện Di Linh cũng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa huyện Di Linh với Đoàn Doanh nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh thuộc Câu lạc bộ Doanh nhân quốc tế VIENC. Di Linh là địa bàn có nhiều tiềm năng và nguồn lực để đầu tư và phát triển. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch tại các khu vực như: hồ Kala, núi Brah Yàng, thác 7 tầng, thác Tul; hạ tầng Cụm công nghiệp Gia Hiệp, Tam Bố đã quy hoạch và triển khai. Thế mạnh của huyện là nông nghiệp, là vùng chuyên canh nhiều loại cây công nghiệp có giá trị như cà phê, mắc ca, tiêu, và cây ăn quả như sầu riêng, bơ... Ngoài ra, còn thuận lợi cho phát triển các loại hoa, dâu tằm, rau màu khác nên nơi đây sẽ là vùng nguyên liệu lớn cho phát triển công nghiệp chế biến...

Hiện, huyện Di Linh đang tiếp tục có đề xuất để phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư vào địa bàn. Các vấn đề như quy hoạch, nâng cấp hệ thống giao thông, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp... đang được địa phương này triển khai quyết liệt nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Ngoài sự nỗ lực ở cấp huyện, 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Di Linh cũng đẩy mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trên địa bàn.