Lâm Hà: Dấu ấn từ công tác khuyến công

DUY DANH 00:24, 09/05/2023

Để đẩy mạnh công tác khuyến công, thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để huy động các nguồn lực tham gia, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 

Công tác khuyến công đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn Lâm Hà
Công tác khuyến công đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn Lâm Hà

Qua công tác tuyên truyền cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và người lao động. Cùng với đó là từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn. 

Đặc biệt, thời gian qua, huyện Lâm Hà triển khai thực hiện nhiều dự án khuyến công trên địa bàn. Trong giai đoạn 2013 - 2023, trên địa bàn huyện Lâm Hà đề xuất thực hiện 41 đề án khuyến công, trong đó, có 16 đề án được đề xuất hỗ trợ có thu hồi với tổng kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng và 25 đề án được thực hiện hỗ trợ không thu hồi với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng.

Các hoạt động hỗ trợ khuyến công trên địa bàn Lâm Hà thời gian qua chủ yếu tập trung vào một số nội dung như: tổ chức đào tạo nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động khác như, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác. Tư vấn trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước…

Các hoạt động khuyến công trên địa bàn Lâm Hà thời gian qua được triển khai cũng đã góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Cùng với đó là hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, thực hiện công tác khuyến công, UBND huyện Lâm Hà cũng đã tổ chức các đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn. Từ đó khuyến khích, phát hiện, tìm kiếm và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tạo cơ hội để các cơ quan quản lý có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại sản phẩm, góp phần thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tại địa phương phát triển.

Đồng chí Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, hoạt động khuyến công thời gian qua tại địa phương đã phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khôi phục và phát triển sản xuất ngành nghề truyền thống trên địa bàn. Thông qua các đề án khuyến công cũng đã giúp địa phương tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tận dụng các thế mạnh của địa phương trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, mặt bằng, giá nhân công rẻ, có chính sách thu hút đầu tư là lợi thế cạnh tranh mang lại hiệu quả cao của các cơ sở kinh doanh.