Chỗ dựa vững chắc cho nông dân

NGỌC NGÀ 05:43, 15/06/2023

Phát huy vai trò là chỗ dựa vững chắc cho người nông dân, suốt 5 năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Di Linh đã triển khai nhiều phong trào thi đua giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Nông dân Di Linh hăng hái thi đua lao động sản xuất giỏi
Nông dân Di Linh hăng hái thi đua lao động sản xuất giỏi

KHUYẾN KHÍCH NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT 

Huyện Di Linh có 18 xã và 1 thị trấn. Dân số toàn huyện là 161.212 người, trong đó nông dân chiếm khoảng 70% lực lượng lao động xã hội. Toàn huyện hiện có 27.628 hội viên HND sinh hoạt ở 19 Hội cơ sở. 

Ông Hoàng Xuân Hóa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh cho biết, với vai trò là chỗ dựa của hội viên nông dân, từ năm 2018 đến nay, HND huyện Di Linh đã tập trung triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh nhằm khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, thu hút hàng ngàn hội viên tham gia.

Để tạo nền tảng vững chắc khuyến khích nông dân thi đua lao động, sản xuất, trong 5 năm qua, HND huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan mở 38 lớp sơ cấp nghề; tổ chức 1.300 buổi tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 127 ngàn lượt hội viên, nông dân tham gia. Có 153 hộ vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp với số tiền 8 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã đầu tư, giải ngân cho hội viên nông dân vay thực hiện được 66 dự án, với số tiền trên 12 tỷ đồng. Từ phong trào này, nông dân Di Linh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng. 

Trong phong trào thi đua sản xuất đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình như hộ nông dân Vũ Trọng Hiển ở thôn Phú Hiệp 2, xã Gia Hiệp, trồng xen 900 cây mắc ca, 4.000 cây na và xoài trên diện tích sản xuất 5,5 ha cho thu nhập 700 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động cùng 5 lao động thời vụ; hộ nông dân Lê Trọng Thủy ở Thôn 6, xã Hòa Bắc với mô hình sản xuất gồm 2 ha cà phê và nuôi 20 con bò sữa, tổng thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Nghĩa Nam ở Thôn 16, xã Hòa Ninh với mô hình trồng 1 ha cây sầu riêng cho thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và giúp đỡ về vốn cho 7 hộ gia đình bằng hình thức cho vay tiền không lấy lãi… Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn ủng hộ 1,5 tỷ đồng, trên 3.000 công lao động và 25.000 cây, con giống các loại cho những hội viên nông dân nghèo, khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất. Đó cũng là nền tảng thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Di Linh hiện có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 42 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ông K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh khẳng định:  Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Sự nỗ lực và đồng thuận của nông dân là nền tảng, là động lực quan trọng đóng vai trò quyết định để huyện Di Linh thực hiện nhiệm vụ đạt huyện nông thôn mới năm 2024.

Với đặc điểm và lợi thế riêng cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ của HND các cấp, nông dân Di Linh đã có cách đóng góp riêng và hiệu quả. Cụ thể, trong 3 năm (2021 - 2023), HND huyện phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kêu gọi hội viên hỗ trợ người nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua thực hành tiết kiệm gửi tiền vào Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tạo lập thêm nguồn lực "Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau" với số tiền trên 3 tỷ đồng.  HND các cấp tiếp tục thực hiện ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, HND dư nợ trên 149 tỷ đồng với 4.826 hộ vay. 

Hằng năm, HND huyện chỉ đạo HND cơ sở khảo sát nhu cầu và vận động hội viên xây dựng từ 1 - 2 mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, các cấp Hội đang hỗ trợ 18 mô hình kinh tế tập thể do Hội thành lập. Phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp tục làm kinh tế trang trại. Hiện có 45 trang trại đóng góp nhu cầu thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện.

Các cấp Hội tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; vận động trên 90% hội viên đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hóa gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; trên 93% hộ hội viên nông dân tham gia Bảo hiểm y tế và đăng ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; phòng, chống các tệ nạn xã hội; tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Vận động hội viên đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ dần các phong tục không còn phù hợp. Duy trì hoạt động 22 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn… HND cơ sở cũng đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiến đất, đóng góp trên 29 tỷ đồng, tham gia trên 18.720 ngày công lao động để tu sửa, làm mới trên 36 km đường giao thông nông thôn, làm nhà sinh hoạt cộng đồng, nạo vét kênh mương, cống thoát nước…