Bên cạnh sự tìm tòi áp dụng của nhà vườn Đà Lạt, các đơn vị chức năng của Lâm Đồng và của Đà Lạt trong nhiều năm nay cũng tăng cường việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua nhiều hình thức, một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác này là Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt.
Một cuộc hội thảo đầu bờ ngay tại nhà dân do Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt tổ chức |
• NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM
Thống kê ngành chức năng Đà Lạt cho biết, trong 12 phường và 4 xã hiện nay của Đà Lạt có 10 phường và 4 xã canh tác nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 10.500 ha, trong đó đã có đến 7.006 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chiếm trên 66,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Như đánh giá của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, cho đến nay, hầu hết các công nghệ canh tác tiên tiến trên thế giới đều được nông dân Đà Lạt áp dụng; các giống rau, hoa mới nhập nội đều được canh tác đại trà, chất lượng sản phẩm nông nghiệp Đà Lạt ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, hằng năm bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, Trung tâm luôn xác định việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu mà đơn vị luôn ưu tiên.
Chẳng hạn, năm 2022 vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân Đà Lạt, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Đồng và các công ty phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong nước tổ chức trên 20 lớp tham quan, tập huấn và hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới với hơn 600 lượt nông dân tham gia.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, từ nguồn vốn tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh và của TP Đà Lạt, Trung tâm đã triển khai 4 mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh (tổng diện tích 2,1 ha, gồm 3 mô hình tại Phường 11 và 1 mô hình tại Phường 7); 3 mô hình trồng dâu tây ngoài trời (rộng 0,4 ha gồm 2 mô hình tại xã Tà Nung, 1 mô hình tại Phường 7); 6 mô hình trồng hoa lay-ơn nhập khẩu củ giống từ Hà Lan (rộng 0,6 ha) tại Phường 11.
Trung tâm cũng đã chuyển giao 40 máy hút ẩm nhãn hiệu Fujie HM-1800DS cho các nông dân đang sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành. Bộ phận chuyên môn của Trung tâm hiện đang khảo sát để chọn địa điểm và các cá nhân, tổ chức thực hiện các mô hình còn lại trong năm nay.
Đặc biệt, theo ông Quang, để thực hiện Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 30/1/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Phê duyệt Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm đã chỉ đạo mạng lưới khuyến nông trên thành phố khảo sát hiện trạng nhà kính tại Đà Lạt; tuyên truyền, vận động người dân không xây dựng nhà kính lấn chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng nhà kính đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyển đổi dần sang sản xuất cây trồng ngoài trời, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
• HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP TIÊN TIẾN VÀ THÂN THIỆN
Định hướng chung của TP Đà Lạt trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, như Nghị quyết về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành ủy Đà Lạt đưa ra, vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ từ các nước tiên tiến đến nông dân; ưu tiên những thành tựu công nghệ phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.
Thành phố cũng đặt ra mục tiêu tăng cường công tác xã hội hóa để hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn, điều kiện sản xuất mang tính ứng dụng cao; tập trung nghiên cứu đi đôi với chuyển giao; xây dựng các dự án ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trong các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại địa phương.
Đà Lạt cũng thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong điều khiển hệ thống tưới tự động, cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới, phun thuốc tự động; qua hệ thống cảm biến điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong chế biến, bảo quản nông sản; triển khai đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp, hỗ trợ ứng dụng máy móc nông nghiệp tập trung vào các khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, bón phân và thu hoạch đảm bảo phù hợp với điều kiện địa hình, trình độ sản xuất và mức độ tự động hóa cao.
Trong khâu giống Đà Lạt cũng hướng đến việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng; tiếp tục đầu tư nghiên cứu, lai tạo, nuôi cấy nhằm tạo các loại giống tốt nhất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất thương phẩm; nghiên cứu thực nghiệm hoàn thiện quy trình và chuyển giao mô hình canh tác tiên tiến cho nông dân; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhập nội, khảo nghiệm giống mới.
Trước mắt, theo ông Quang, để thực hiện tốt việc quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn Đà Lạt theo định hướng của tỉnh, thành phố cần thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; ưu tiên phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Lộc Quý xã Xuân Thọ, phát triển các làng hoa Thái Phiên, làng hoa Vạn Thành và tiếp tục công nhận các vùng sản xuất rau, hoa đạt chuẩn vùng công nghệ cao.
Ông Quang cũng đề nghị thành phố cần hỗ trợ và phát triển các địa điểm nuôi cấy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ sinh học tiên tiến, phát triển ngân hàng giống nhằm cung ứng cho người nông dân các giống sạch bệnh, kháng bệnh tốt, năng suất và chất lượng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường; hướng đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn sinh học, nông nghiệp hữu cơ và tiến đến không dùng hóa chất bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ. Vận động và khuyến khích người dân canh tác nông nghiệp bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục; tránh việc xử lý đất bằng hóa chất đã bị hạn chế sử dụng, tránh lạm dụng thuốc diệt cỏ.
Bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ với các đơn vị nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt; Đại học Đà Lạt; Phân viện Sinh học Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu rau, hoa và khoai tây; các cơ sở nuôi cấy mô… để phối hợp chuyển giao, trao đổi các thông tin khoa học kỹ thuật mới về lĩnh vực nông nghiệp, về công tác giống và ứng dụng mới vào sản xuất để chuyển giao cho nông dân.
“Người nông dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất, hằng ngày lặn lội ngoài vườn. Nhà nước và cơ quan chuyên môn nên đồng hành, định hướng chiến lược giúp người dân yên tâm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa chất lượng, cùng tham gia giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp” - ông Quang suy nghĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin