Đưa công nghệ số vào mô hình sản xuất, kinh doanh của phụ nữ

VIỆT HÙNG 06:41, 20/12/2023

Thời gian qua, các doanh nghiệp do nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như có nhiều đóng góp cho địa phương. Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 vào mô hình sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã tạo cơ hội cho phụ nữ vươn lên, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận kinh tế số
gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình
Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình

Theo bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện nay, doanh nghiệp nữ làm chủ chiếm 33% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này cho thấy, lực lượng doanh nhân nữ có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ có tỷ lệ lao động nữ cao, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

“Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh cho phép phụ nữ tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn, trực tiếp đạt được cơ hội việc làm, tiếp cận thông tin, truyền thông và tiến hành công việc dịch vụ thuận lợi. Tuy nhiên, khả năng ứng dụng công nghệ số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ chưa đồng đều, một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ còn theo cách truyền thống... Do đó, trước xu thế kinh tế số phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, các mô hình kinh doanh do phụ nữ làm chủ cần nắm bắt cơ hội để tìm hướng đi phù hợp cho mình và thực hiện các ứng dụng cụ thể một cách hiệu quả nhất”, bà Nhâm cho biết. 

Một trong những mục tiêu mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đang hướng tới là hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong những năm qua, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Hội LHPN huyện Đức Trọng là một điển hình trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0 vào đời sống cũng như phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Bà Đặng Thị Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho hay, Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp các doanh nhân nữ và hội viên phụ nữ trên địa bàn nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN huyện đã khảo sát, nắm nhu cầu và khả năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của chị em. Qua đó hỗ trợ nhiều chị khởi sự, khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn vay, áp dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm cơ hội quảng bá, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các cấp Hội hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng online, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh tích cực triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, đã hỗ trợ gần 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số vốn trên 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây cũng là lực lượng nòng cốt triển khai chuyển đổi số tại cơ sở, là thành viên chính của Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 142/142 xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với trên 2.500 thành viên, trong đó gần 150 thành viên thuộc Hội Phụ nữ. Đối với Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố, 12/12 huyện đã kiện toàn với tổng số trên 1.300 Tổ và gần 9.300 thành viên, trong đó gần 1.400 thành viên thuộc Hội Phụ nữ. Các thành viên thuộc Hội Phụ nữ không chỉ hỗ trợ hội viên phụ nữ tạo tài khoản dịch vụ công, tiếp cận, sử dụng và nộp, tra cứu hồ sơ nộp trực tuyến; hướng dẫn thực hiện ứng dụng định danh điện tử - VNeID; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt mà còn hỗ trợ hội viên đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ. 

“Để hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức về công nghệ số cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ kinh doanh do phụ nữ quản lý nâng cao vị thế, ổn định năng suất, sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.