Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua. Tham gia những FTA vừa mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong sân chơi lớn toàn cầu, doanh nghiệp (DN) Lâm Đồng đã nhận thức ra sao về lợi thế cũng như hạn chế của mình để có thể hội nhập, phát triển.
Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua. Tham gia những FTA vừa mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong sân chơi lớn toàn cầu, doanh nghiệp (DN) Lâm Đồng đã nhận thức ra sao về lợi thế cũng như hạn chế của mình để có thể hội nhập, phát triển.
|
Đóng gói hoa tại Đà Lạt Hasfarm - công ty sản xuất hoa lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Viết Trọng |
Một trong những công ty 100% vốn trong nước xuất khẩu nông sản hàng đầu của Lâm Đồng là Công ty cổ phần Viên Sơn. Công ty chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông sản, trong đó, chủ chốt là khoai lang Nhật. Khoai lang của Công ty cổ phần Viên Sơn xuất khẩu sang Malaysia, Singapore và thậm chí Nhật Bản cũng nhập loại khoai đặc sản này. Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty chia sẻ, nhu cầu của khách hàng với khoai lang Nhật rất cao nhưng công ty không đáp ứng được hết bởi sản lượng trồng khoai còn hạn chế. Tại sao một công ty nội địa nhỏ lại có thể có thị trường xuất khẩu nông sản ra nhiều nước đến thế? Ông Nguyễn Duy Đa cho hay: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định hướng đi xuất khẩu và chọn những mặt hàng mang tính đặc hữu như khoai lang. Bên cạnh đó, công ty xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, đào tạo lao động đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế để tránh bị cạnh tranh bởi hàng rào kỹ thuật. Với các thị trường đặc biệt, chúng tôi cũng tìm hiểu, đánh giá đòi hỏi của khách hàng để đáp ứng đúng. Như với thị trường các nước Hồi giáo, công ty phải xin giấy phép Halal để xuất khẩu được nhanh chóng”. Không riêng Viên Sơn, các DN Lâm Đồng có hàng hóa xuất khẩu như Công ty cổ phần Vĩnh Tiến Lâm Đồng, Công ty XNK Cà phê Đà Lạt… đều có sự tìm hiểu kỹ càng về thị trường, xác định được hướng đi phù hợp cho mình.
Thành công của những doanh nghiệp xuất khẩu của Lâm Đồng có thể cho thấy, nếu tìm đúng hướng đi, nông sản Lâm Đồng hoàn toàn có lợi thế trên sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết doanh nghiệp Lâm Đồng còn khá bỡ ngỡ khi đứng trước thị trường mới. Theo khảo sát về mức độ hiểu biết, tiếp cận của DN với các FTA và hội nhập kinh tế quốc tế do Sở Công thương Lâm Đồng thực hiện trên 200 DN gồm: DN nhà nước, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các HTX đã cho kết quả đáng buồn. Hiểu đúng về mục đích của các FTA tại DN chỉ chiếm 39,5%; biết chính xác về số lượng các FTA đã ký chiếm 34%; hiểu đúng về mục tiêu của các FTA chiếm 11%. Đáng quan tâm hơn ngay cả việc nhận thức về cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do trong DN còn khá ít ỏi, khiêm tốn. Cơ hội từ các FTA đem lại chỉ được hiểu đúng 5,5%; trong khi đó, thách thức từ các FTA được nhận biết chỉ đạt 2,5 %. Duy chỉ có trả lời đúng hầu hết kết quả các câu hỏi là các công ty có vốn FDI. Như vậy, mức độ hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế của DN trên địa bàn Lâm Đồng còn thấp với mức bình quân là 18,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50% của DN cả nước.
Trong khi cả thế giới đã bước vào sân chơi cạnh tranh khốc liệt, nhưng không ít DN còn mơ hồ về thị trường tự do giao thương rộng mở như hiện nay. Và nếu không có sự chuẩn bị tốt, DN Lâm Đồng dễ dàng bị gạt ra ngoài cuộc chơi và chỉ quanh quẩn trong “ao làng” nội địa, hàng hóa không thể vượt ra ngoài biên giới. Chính bởi vậy, Sở Công thương Lâm Đồng khẳng định, việc đầu tiên chính là tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về hội nhập kinh tế để DN có ý thức, xác định được vị trí của mình trên thị trường. Chỉ khi DN xác định được vị trí, định hướng được tương lai, các giải pháp hỗ trợ cụ thể như vốn vay, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… mới có thể trụ vững trong nền kinh tế hội nhập và mang lại hiệu quả kinh doanh sản xuất.
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Công thương cho biết, hầu hết các DN Lâm Đồng tham gia xuất khẩu được đều do doanh nghiệp có ý thức tìm hiểu thị trường, tìm kiếm hướng đi và từ đó, chọn một phân khúc phù hợp với năng lực của mình. Xác định đầu tư sản xuất mới mang lại hiệu quả, bởi vậy, trong thời gian tới, hoạt động hỗ trợ thông tin cho DN sẽ được tiến hành rộng rãi, đi vào chiều sâu. Trọng tâm là những thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu nông sản, thói quen của người tiêu dùng. Giải quyết được vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp ở tầm quốc gia và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
DIỆP QUỲNH