Để mở rộng thị trường nông sản

02:07, 29/07/2020

Để mở rộng thị trường nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Lâm Đồng nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung cần tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao gắn với sơ chế, chế biến xây dựng thương hiệu đặc trưng của mình.

Để mở rộng thị trường nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Lâm Đồng nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung cần tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao gắn với sơ chế, chế biến xây dựng thương hiệu đặc trưng của mình.
 
Cần tiếp tục xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu nông sản chất lượng cao gắn với sơ chế, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước
Cần tiếp tục xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu nông sản chất lượng cao gắn với sơ chế, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước
 
Giá trị nông sản chưa tương xứng với tiềm năng
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khu vực 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng với thế mạnh khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi chủ lực chiếm tỷ lệ cao trong cả nước. Cụ thể, với tổng sản lượng hàng năm hơn 1,5 triệu tấn, cây cà phê miền Trung - Tây Nguyên chiếm tỷ lệ hơn 93,5% trong cả nước. Tương tự các tỷ lệ này đối với cây trồng, vật nuôi khác như: tiêu, điều (gần 257 ngàn tấn, chiếm khoảng 50%); cao su (334.000 tấn, chiếm gần 30%); lúa gạo (8,5 triệu tấn, chiếm gần 20%); rau, củ, quả (hơn 4 triệu tấn, chiếm hơn 15%); gia súc, gia cầm (hơn 1,7 triệu tấn, chiếm gần 27,7%); thủy sản (gần 1,8 triệu tấn, chiếm gần 23%)…
 
Với sản lượng nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ đáng kể vừa nêu, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến nay được đánh giá có nhiều tiềm năng xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao gắn với đầu tư mở rộng công nghệ chế biến quy mô lớn. 
 
Thống kê những kết quả bước đầu ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã hình thành 1.400 cơ sở chế biến cà phê, cao su, thủy sản… chiếm tỷ lệ 25% cả nước, đóng góp 41 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. 
 
Qua đó, đã làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam hội nhập thành công với thị trường thế giới…
 
“Tuy nhiên, một số ngành hàng như rau, củ, quả, thịt… ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn nhiều dư địa, nhưng chủ yếu chỉ hình thành hệ thống sơ chế mang tính chất tự cung, tự cấp cho khu vực, địa phương; hoặc chỉ sơ chế ban đầu để cung cấp nguyên liệu cho các khu vực khác để chế biến, dẫn đến giá trị nông sản tiêu thụ chưa tương xứng với tiềm năng…”, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. 
 
Đối chiếu với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng có 316.210 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 58.000 ha ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C... đạt khoảng 78.000 ha. Giá trị sản xuất bình quân đạt gần 180 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ngày càng nhiều diện tích rau, hoa công nghệ cao đạt thu nhập từ 1 tỷ đồng/ha trở lên. Kết quả trong năm vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng thu hoạch gần 2,6 triệu tấn rau, củ, quả và hơn 3,5 tỷ cành hoa các loại. Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng nhận định: “Rau, hoa là một trong những sản phẩm chủ lực có nhiều lợi thế phát triển của tỉnh Lâm Đồng, hàng năm cung cấp ra thị trường trong nước với tỷ lệ khoảng 90%, trong đó tập trung các tỉnh Đông Nam Bộ 60-63%; miền Tây 12-15%; các tỉnh miền Trung 12-15% và Hà Nội 7-10%. Thị trường xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng. Hiện nay, với khoảng 100 doanh nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng có năng lực sơ chế, chế biến mới chỉ đạt lần lượt tỷ lệ 50% và 15% tổng sản lượng rau trước khi tiêu thụ...”. 
 
Riêng các loại cây hàng năm ở Lâm Đồng như cà phê 174.390 ha (chiếm 45% diện tích đất canh tác), năng suất bình quân gần 3,2 tấn/ha. Trong đó, 80-90% sản lượng được sơ chế, chế biến trước khi tiêu thụ. Cây chè có 152 doanh nghiệp chế biến tổng công suất gần 30.000 tấn thành phẩm/năm. Cây dâu, con tằm có trên 14.000 hộ sản xuất với sản lượng kén hàng năm đạt khoảng 11 ngàn tấn. Cây ăn quả với tổng diện tích gần 20.000 ha, sản lượng bình quân 178.000 tấn/năm. Toàn tỉnh Lâm Đồng có 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng hơn 11.100 tấn thành phẩm…
 
Phát triển vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao
 
Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển 150 chuỗi liên kết với sự tham gia của 182 doanh nghiệp, hợp tác xã và 16.015 hộ dân sản xuất trên tổng diện tích khoảng 24.000 ha, sản lượng đạt hơn 500.000 tấn rau, củ, quả đưa vào sơ chế, chế biến, đóng gói vận chuyển đến người tiêu dùng. 
 
Tuy nhiên, theo ngành chức năng, những kết quả đạt được về sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu đặt ra. Trong đó tỉnh Lâm Đồng hiện mới đạt các tỷ lệ nông sản 50% sơ chế, 20% liên kết tiêu thụ, 15% chế biến... 
 
Để mở rộng thị trường nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến gắn với nguồn nguyên liệu chất lượng cao là giải pháp sống còn. Thông qua chuỗi liên kết, doanh nghiệp chế biến có được nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, bền vững, đồng thời cũng kiểm soát được chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ…”. Đáng kể từ năm 2017 đến nay, ngành nông nghiệp và ngành công thương tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp hỗ trợ máy móc, thiết bị, chuyển giao quy trình vận hành, quản lý, kiểm soát chất lượng… để xây dựng thành công mô hình Trung tâm Sau thu hoạch tại huyện Đức Trọng. Mô hình này đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng và đăng ký thành công 19 nhãn hiệu nông sản; đặc biệt phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản xây dựng hiệu quả thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông, bước đầu đã nâng cao giá trị thu nhập lên từ 15-20%...
 
VĂN VIỆT