(LĐ online) - Ngày Quốc tế về Rừng năm nay (21/3/2021), Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất...
(LĐ online) - Ngày Quốc tế về Rừng năm nay (21/3/2021), Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn thế giới chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất. Ở Việt Nam, đây là dịp để người dân hiểu hơn về vai trò của rừng, góp sức triển khai Đề án 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
|
Trồng rừng, trồng cây phân tán tại thành phố Đà Lạt |
Rừng là “cái nôi” của đa dạng sinh học
Ngày Quốc tế về Rừng viết tắt là IDF (International Day of Forests). Từ năm 2012, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã tuyên bố ngày 21/3 hàng năm là Ngày Quốc tế về Rừng. Kỉ niệm ngày này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn nhân loại về tầm quan trọng của các hệ sinh thái rừng và đẩy mạnh hoạt động trồng cây phân tán. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), mỗi năm, thế giới mất 10 triệu ha rừng.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, rừng càng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nỗ lực ứng phó. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, một nhiệm vụ rất được chú trọng là ưu tiên phục hồi, quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng, thông qua các giải pháp tái sinh, phục hồi rừng, làm giàu rừng. Cùng đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phát triển rừng trồng; đồng thời, cải thiện sinh kế và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp. Việt Nam cũng cam kết vào năm 2030 giảm phát thải 83,9 triệu tấn CO2 bằng nỗ lực quốc gia và có thể giảm phát thải tới 250 triệu tấn CO2, nếu có sự hợp tác hiệu quả của quốc tế.
|
Cháy rừng là yếu tố rất khó phục hồi rừng |
Ngay từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 (Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 31/12/2020). Theo đó, các lực lượng trong cả nước cùng trồng, chăm sóc và bảo vệ gần 700 triệu cây xanh phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn và hơn 300 triệu cây rừng trồng tập trung.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), kết thúc năm 2020, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,3 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 42% (thế giới bình quân đạt 31%). Tuy nhiên, bình quân Việt Nam thấp hơn bình quân thế giới 7 lần về diện tích rừng và 7,5 lần về trữ lượng. Điều này cho thấy, chất lượng rừng tự nhiên của Việt Nam chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng; tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, giải pháp nâng cao chất lượng rừng đang là thách thức đối với ngành lâm nghiệp.
Dự thảo “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đề ra mục tiêu tổng quát là huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Việc cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như cải thiện sinh kế cho người dân.
|
Lâm Đồng huy động người dân tham gia bảo vệ và khôi phục rừng |
Lâm Đồng tích cực cùng Chính phủ
Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 978.334 ha; trong đó, 539.366 ha rừng (rừng tự nhiên là 455.226 ha; rừng trồng 84.140 ha (trong đó, 77.220 ha đã thành rừng); độ che phủ rừng đạt 54,5%. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Lâm Đồng xác định “là nhiệm vụ thường xuyên, quyết liệt”. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (2015-2019), nhiều kết quả đã đạt được. Dẫn chứng một số số liệu: Mùa khô 2015-2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 34 vụ cháy rừng với tổng diện tích hơn 118 ha (không thiệt hại tài nguyên rừng), mùa khô 2018-2019 chỉ xảy ra 10 vụ cháy, tổng diện tích gần 22 ha (không thiệt hại tài nguyên rừng). Năm 2015, toàn tỉnh có 1.877 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (nay là Luật Lâm nghiệp), tăng 2% so với năm trước đó, diện tích rừng thiệt hại hơn 172 ha (tăng 81%) và lâm sản thiệt hại hơn 7.412 m3 (tăng 73%). Năm 2019, có 735 vụ vi phạm, giảm 18% so với năm trước, diện tích rừng thiệt hại 57,38 ha (giảm 8%), lâm sản thiệt hại hơn 3.837 m3 (tăng 4%). Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”, từ năm 2013 đến 2019, tỉnh Lâm Đồng trồng được gần 11.564 ha rừng. Cùng đó, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất bị lấn chiếm canh tác nông nghiệp gần 3.831 ha. Từ năm 2015-2019, toàn tỉnh chăm sóc 50.698 ha rừng trồng các năm trong giai đoạn này…
Những bài học kinh nghiệm đúc kết từ tỉnh Lâm Đồng là: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Cải thiện đời sống, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước… Tỉnh Lâm Đồng đang phát huy bằng những giải pháp cụ thể và phù hợp hơn để thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 25/8/2020.
Kết thúc năm 2020, Lâm Đồng đã trồng thêm được hơn 429 ha rừng. So với năm 2019, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 0,9%; lấn, chiếm mới đất lâm nghiệp giảm 70% số vụ và giảm 80% diện tích... Kết thúc quý I/2021, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên cho biết: Đơn vị đã tiếp nhận 9 hồ sơ trồng rừng với gần 131 ha. Thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, đã trình UBND tỉnh kế hoạch trồng 50 triệu cây giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn luôn thách thức với Lâm Đồng. So cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm tăng 16 vụ, khoảng 12%; diện tích rừng tăng 3,13 ha, khoảng 42% và lâm sản thiệt hại tăng 552,943 m3, khoảng 121%).
MINH ĐẠO