Bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Viên Sơn tại Đức Trọng vẫn giữ vững mức tăng trưởng 20% hằng năm và là doanh nghiệp tiêu biểu về "Hội nhập và phát triển" giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lâm Đồng.
Bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Viên Sơn tại Đức Trọng vẫn giữ vững mức tăng trưởng 20% hằng năm và là doanh nghiệp tiêu biểu về “Hội nhập và phát triển” giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Lâm Đồng.
|
Đóng gói khoai lang xuất đi Nhật |
Chinh phục thị trường khó tính
Cử người đưa tôi đi tham quan nhà máy sản xuất một vòng, ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn (gọi tắt Công ty Viên Sơn) nói với tôi rằng, để đi đến chặng đường thành công như hôm nay, đó là một câu chuyện dài.
Nằm trong một vùng nông thôn thuộc thôn An Tĩnh, xã Liên Hiệp, Đức Trọng trên con đường Quốc lộ 27 từ Ngã ba Liên Khương dẫn vào Lâm Hà, toàn bộ khu vực văn phòng và nhà máy của Công ty Viên Sơn trên 6.000 m
2, khá rộng rãi.
Có rất đông công nhân làm việc trong nhà máy, toàn bộ máy móc nơi đây rất hiện đại, khép kín theo chuỗi sản xuất, từ đóng gói, kiểm tra, phân loại sản phẩm theo một chu trình chặt chẽ. Mọi công nhân trước khi vào nhà máy đều phải mặc trang phục bảo hộ lao động và qua qui trình khử khuẩn nghiêm nhặt.
“Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là nông sản như bí, ớt chuông, cà tím, các loại rau, củ, quả nên đặt nhà máy nơi đây; nhiều nhất vẫn là khoai lang Nhật, chúng tôi có đến cả nghìn ha liên kết trồng khoai lang cung cấp nguyên liệu cho nhà máy” - ông Đa cho biết.
Ông kể năm 2006, khi mới thành lập, công ty phải trải qua những chuỗi ngày dài khó khăn để tìm kiếm từng đơn hàng, lúc đó xuất khẩu rau, củ, quả sang Thái Lan. Sau đó, sản phẩm công ty mới bắt đầu đến với Singapore và Malaysia.
Trong quá trình hoạt động, nhận thấy rau, củ, quả tươi thường bị hư thối trong quá trình vận chuyển trước khi kịp đến tay khách hàng, nhiều lần bị khách hàng yêu cầu bồi thường nên công ty sau đó đã thử bước vào lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh.
Năm 2012, Công ty Viên Sơn khởi công xây dựng nhà máy chế biến cấp đông rau, củ, quả tại đây với công suất 3.000 tấn/năm. Đến năm 2015, nhà máy khép kín sản xuất với nhiều máy móc nhập từ nước ngoài và hướng mục tiêu của mình vào thị trường Nhật. Thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại, công ty bắt đầu xuất khoai lang sang đất nước này.
Theo ông Đa, khoai lang trước đây được mệnh danh là thực phẩm của người nghèo, nay sản phẩm của công ty ông đã được chế biến tỉ mỉ, trọng lượng chính xác tuyệt đối, sản phẩm đạt chất lượng nghiêm nhặt của Nhật nên đã dần xuất hiện tại các bếp ăn công nghiệp, các chuỗi nhà hàng, khách sạn cao cấp và cả những bệnh viện nổi tiếng dành cho người già và trẻ em tại Nhật và Hàn Quốc.
Cùng với việc mở rộng thêm mặt hàng cho các sản phẩm, năm 2019 Công ty Viên Sơn đã thành công trong việc đưa sản phẩm khoai lang nướng ăn liền vào bán ở chuỗi cửa hàng tiện lợi 7/11 của Nhật. Đây là sản phẩm đầu tiên đạt tiêu chuẩn vô cùng khắt khe của chuỗi cửa hàng này và được đánh giá rất cao. Đến nay công ty đã bán được 5 dòng sản phẩm khoai lang và rau, củ, quả từ tươi, chiên, hấp, nướng, chần… sang thị trường khó tính này.
Cùng với thị trường Nhật, công ty cũng tích cực tiếp cận thêm các thị trường các quốc gia khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Canada và gần đây là Mỹ và châu Âu. Không chỉ nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thực hiện quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, Công ty Viên Sơn cũng đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị mới, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế (FSSC, ISO 22000:2015…).
Theo ông Đa, từ năm 2015 đến nay, Công ty Viên Sơn luôn giữ mức tăng trưởng đều mỗi năm từ 120-130% trong cả doanh thu lẫn sản lượng xuất khẩu. Đến nay Công ty Viên Sơn là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả hàng đầu tại Lâm Đồng và trong cả nước. Ngay cả trong năm 2020, khi nhiều doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19 thì Công ty Viên Sơn - theo ông Đa vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 20% so với năm 2019 với doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. “Dù dịch bệnh tác động thì khách hàng vẫn phải cần đến thực phẩm và nguồn cung cấp của chúng tôi rất uy tín, ổn định” - ông Đa nói.
Liên kết với nông dân
Hiện Công ty Viên Sơn có một trang trại lớn với hệ thống 12 nghìn m
2 nhà kính cùng các trang thiết bị nông nghiệp hiện đại để trồng rau phục vụ xuất khẩu, trong đó có trồng ớt chuông. Ớt chuông trồng tại đây đảm bảo chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật và đạt chuẩn chất lượng để sản xuất sản phẩm cấp đông tươi cung cấp cho thị trường Nhật.
Theo ông Đa, ớt chuông của công ty là một trong số ít các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn được xuất khẩu qua Nhật trong bối cảnh mặt hàng này của nhiều công ty khác bị khách hàng khiếu nại và đưa vào danh sách hạn chế.
Nhưng thế mạnh nhất của Viên Sơn, theo ông Đa, chính là việc liên kết với trên 200 gia đình nông dân để trồng và cung cấp khoai lang cho nhà máy trong nhiều năm nay. Các gia đình liên kết này không chỉ trong tỉnh Lâm Đồng mà khắp các tỉnh Tây Nguyên còn lại như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, trong đó không ít là các hộ gia đình dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ định hướng, hỗ trợ cho các gia đình trên chuyển đổi cây trồng từ lúa, bắp năng suất thấp sang trồng khoai lang, bí đỏ giống Nhật cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, công ty còn cung cấp cây giống cấy mô, hợp đồng với các công ty cấy mô chuyên nghiệp phục tráng giống cây trồng, cải thiện năng suất canh tác khoai lang, thay vì chỉ 10-12 tấn/ha, nay nâng lên 18-20 tấn/ha. Đồng thời thường xuyên cử người đến hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật thu hoạch nguyên liệu.
“Sự tồn tại của chúng tôi gắn liền với vùng nguyên liệu, chỉ khi người dân cung cấp nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, sản lượng dồi dào thì công ty mới đáp ứng được đơn hàng cho khách hàng đúng hạn, đây là mối quan hệ hai chiều nên công ty rất cần bà con cùng liên kết làm ăn, cùng ăn nên làm ra, cùng phát triển với công ty” - ông Đa nói.
Để chủ động trong việc cung cấp nguyên liệu, bên cạnh việc mở rộng liên kết, gần đây theo ông Đa, công ty còn chủ động thuê khoảng 100 ha đất để canh tác khoai lang Nhật.
Cũng nói thêm rằng, trong gần 200 công nhân đang làm việc hiện nay tại nhà máy, có đến 60% là người dân tộc thiểu số trong vùng và người Chăm từ Ninh Thuận lên. Công ty đã tạo điều kiện tốt nhất có thể để công nhân làm việc lâu dài với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng, cải thiện môi trường làm việc, trang bị đồ bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo phòng, chống COVID-19, khám sức khỏe định kỳ, xây dựng nhà trọ, nhà ăn, khu vui chơi thể thao…
Cho đến nay Công ty Viên Sơn đã nhiều lần được các đơn vị, các ngành và UBND tỉnh Lâm Đồng khen thưởng trong nhiều năm, từ việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế, tiết kiệm điện đến việc công ty có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh, trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. Năm 2018 Công ty Viên Sơn giành được giải thưởng “Sao vàng Đất Việt”; gần đây nhất công ty vinh dự được UBND tỉnh khen tặng là Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển xuất sắc giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.
VIẾT TRỌNG