Trồng ớt Peru để xuất khẩu

05:06, 01/06/2021

Nông dân Nguyễn Văn Đạt (Thôn 3, xã Đạ Kho, Đạ Tẻh) sau khi tìm hướng phát triển kinh tế của gia đình, ông quyết định chuyển đổi đất ruộng khoảng 2 ha để trồng giống ớt Aji Charapita (ớt Peru)...

Nông dân Nguyễn Văn Đạt (Thôn 3, xã Đạ Kho, Đạ Tẻh) sau khi tìm hướng phát triển kinh tế của gia đình, ông quyết định chuyển đổi đất ruộng khoảng 2 ha để trồng giống ớt Aji Charapita (ớt Peru). Sản phẩm của ông được thị trường đón nhận, mở ra hướng xuất khẩu cho loại ớt đắt nhất thế giới này. 
 
Ông Nguyễn Văn Đạt trồng và nhân giống thành công giống ớt Peru có giá trị kinh tế cao
Ông Nguyễn Văn Đạt trồng và nhân giống thành công giống ớt Peru có giá trị kinh tế cao
 
Ông Đạt chia sẻ: Trong một lần bạn ông đi công tác nước ngoài về có biếu gia đình ông một ít ớt Peru, ông ăn cảm thấy ngon và lên mạng tìm hiểu thì được biết ớt có giá đắt đỏ vì có các thành phần tốt cho sức khỏe, có thể giúp giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa và chống viêm nhiễm tốt. Thời điểm ấy, ông vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, nên đã nhờ bạn đặt mua giống về trồng thử nghiệm.
 
Mùa khô năm 2017, ông nhập lô giống đầu tiên về trồng với số lượng là 2.000 cây/5 sào đất. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông gặp không ít khó khăn, cây cứ héo rũ lần lượt. Tuy nhiên, với quyết tâm trồng và nhân giống bằng được ớt Peru, ông Đạt mày mò, học hỏi nghiên cứu đặc tính của ớt. 
 

Ớt Aji Charapita là một loại ớt hạt tiêu có nguồn gốc từ các vùng phía Bắc của đất nước Peru, Nam Mỹ. Đây là loại cây trung hạn, có độ cao 40 - 55 cm, tán rộng 35 - 45 cm, sinh trưởng tốt khi ở nhiệt độ 17 - 37 độ C, cho thu hoạch quả sau 90 ngày. Mỗi cây có hàng trăm quả nhỏ tròn, màu đỏ hoặc vàng, nhưng màu vàng phổ biến hơn cả. Ưu điểm của giống ớt này là có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, song việc nhân giống không phải dễ dàng.

Để trồng loại ớt này, kỹ thuật trồng và chăm sóc rất đặc biệt, ông Đạt dùng 50% phân chuồng hoai mục, 45% bã mùn và 5% vôi bột rải đều khắp vườn, sau đó tiến hành cày bừa cho đất tơi xốp và trộn đều đất với phân nhằm ổn định chất dinh dưỡng cũng như giúp cân bằng độ chua trong đất. Lượm sạch cỏ dại trước khi dùng vòi phun nước vô ruộng để ủ đất trong 25 - 30 ngày sau đó ông Đạt mới bắt đầu xuống giống và trồng. Cách trồng, cây cách cây 1 m để đảm bảo tán xòe, cây trưởng thành cao từ 35 - 40 cm, cây cho thu hoạch quả sau 90 ngày trồng.

Toàn bộ diện tích ớt Peru ông Đạt canh tác hữu cơ. Ông cho biết, trồng ớt hữu cơ thì từ giống, phân bón, nước tưới, đất và phương pháp canh tác đều phải sạch. Vì vậy, ông không sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nào; phân hữu cơ ông tự ủ, ngoài ra ông còn sử dụng sữa bò và trứng gà để bón cho cây. 
 
Năm 2018, sau khi hoàn thiện các quy trình sản xuất và trồng thành công loại ớt này, cây cho thu hoạch với chất lượng quả tốt và được đánh giá là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tháng 2 năm 2019, ông Đạt ươm khoảng 10.000 cây giống và trồng trên diện tích 2 ha, thời điểm hiện tại toàn bộ vườn ớt của ông đã cho thu hoạch khoảng 1 tấn ớt tươi/tháng. Ngoài ra, ông Đạt còn bán cây để cho các gia đình có nhu cầu làm cây cảnh, vụ tết năm 2020 và 2021 ông bán được 100 chậu, mỗi chậu từ 2,5 - 3 triệu đồng.
 
Theo ông Đạt, ớt Peru sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25 đến 37 độ C. Nếu chăm sóc tốt, giống ớt này có thể thu hoạch được từ 4 đến 5 năm. Mỗi cây có thể thu được từ 2,5 đến 4 kg quả/năm, mỗi năm thu hoạch được 4 đến 5 đợt.
 
“Vì sản lượng ít nên tôi mới chỉ mở bán cho các nhà hàng hoặc người dân có nhu cầu với giá 4 triệu đồng/kg tươi và 50 triệu đồng/1 kg ớt khô để theo dõi xu hướng tiêu dùng. Hiện tại tôi đang cung ứng cho doanh nghiệp ở Đạ Tẻh chế biến và sản xuất ớt bột đóng chai với giá bán thị trường là 300.000 đồng/5 gram. Ngoài mục đích bán trong nước, tôi cũng đang có mối bán ở thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng sản lượng chưa đủ để cung ứng”, ông Đạt nói 
 
Phía đối tác chấp nhận nhập giá ớt tươi khoảng 8.000 USD/kg, mỗi tháng cung ứng cho họ khoảng 12 tấn, số lượng quá lớn, trong khi sản lượng của gia đình làm chỉ bằng 1/10 sản lượng của các đơn hàng. Để gối đầu sản phẩm cung ứng cần phải có khoảng 100 ha canh tác ớt. Ông Đạt cho biết thêm, loại cây này không quá khó trồng, chỉ cần biết kỹ thuật là cây cho trái đều. Trong thời gian này, ông đang liên kết với nông dân mở rộng diện tích để đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông chuyển giao kỹ thuật, giống và bao tiêu đầu ra cho toàn bộ diện tích nông dân trồng.
 
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, ngành nông nghiệp của huyện đang tích cực hỗ trợ nguồn vốn để mô hình ớt Peru của ông Đạt mở rộng, hiện tại thị trường tiêu thụ của giống ớt này khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc và giống đang gặp khó khăn, vì đây là cây trồng mới nên để nhân rộng mô hình cần phải chuyển giao kỹ thuật, tập huấn cho người dân để họ nắm rõ rồi mới tiến tới nhân rộng ra. 
 
HOÀNG YÊN