Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

04:08, 06/08/2021

Kết cấu hạ tầng là điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí và tạo cơ sở cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới...

Kết cấu hạ tầng là điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí và tạo cơ sở cho quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Bám sát các mục tiêu Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những năm qua, Lâm Đồng đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Bộ mặt nông thôn ở các huyện, thành trong tỉnh vì vậy đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từ đó cũng ngày càng được nâng cao. 
 
Vẻ đẹp nông thôn Cát Tiên
Vẻ đẹp nông thôn Cát Tiên
 
Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; phần lớn người dân đồng tình hưởng ứng tham gia, đạt nhiều kết quả. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh giai đoạn vừa qua đã được đầu tư tương đối đồng bộ, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, văn hóa và môi trường nông thôn chuyển biến tích cực. 
 
Kết quả đó là nhờ nhiều năm qua, đã có không ít nỗ lực để đưa nước về đồng, đưa đường giao thông về tận thôn và thông suốt cả bốn mùa, điện thoại về xã, điện thắp sáng vào tận nhà dân... Theo số liệu tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 của Tỉnh ủy, với rất nhiều nỗ lực đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 432 công trình thủy lợi, trong đó có 48 công trình do cấp tỉnh quản lý; 384 công trình do cấp huyện quản lý. Trong số này có 222 hồ chứa; 87 đập dâng; 19 trạm bơm; khoảng 1.200 km kênh mương; 92 đập tạm; 12 kênh tiểu; hệ thống công trình trên chủ động cấp nước tưới cho khoảng 45.649 ha đất canh tác, tương đương khoảng 60.014 ha đất gieo trồng. Tỷ lệ các loại cây trồng được tưới năm 2020 đạt 65% diện tích cần tưới; trong đó có khoảng 38.500 ha được tưới bằng các biện pháp tiên tiến tiết kiệm. Đến hết năm 2020, có 111/111 xã đạt tiêu chí về thủy lợi (đạt 100%). Hệ thống nước sinh hoạt nông thôn đến nay cũng có tới 256 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%. 
 
Và một trong những thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ nhất ở nông thôn giai đoạn qua đó chính là việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Với sự quan tâm đầu tư nguồn vốn mạnh mẽ của tỉnh và sự đóng góp tích cực từ rất nhiều nguồn lực xã hội, bức tranh giao thông nông thôn Lâm Đồng đến nay khá hoàn chỉnh, đã kết nối hầu hết các thôn, xã với đường tỉnh, đường quốc lộ. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã có khoảng 7.421 km, trong đó khoảng 6.528 km được cứng hóa (tỷ lệ 88%); 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã. Đến hết năm 2020, có 110/111 xã đạt tiêu chí về giao thông (đạt 99,13%).
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh cũng đầu tư xây dựng mới và cải tạo hơn 9,6 nghìn km đường dây điện trung, hạ thế và hơn 5.400 trạm biến áp cho các xã nông thôn mới trên địa bàn, hệ thống lưới điện nông thôn vì vậy đã đảm bảo an toàn, cơ bản cung cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; đến năm nay đã có 111/111 xã đạt tiêu chí về điện (đạt 100%).
 
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng được chú trọng đầu tư, cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 109/111 xã có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 98,2% (tăng 20,5% so với năm 2015 và 42,7% so với năm 2010). Trong đó, có 101/109 xã có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn theo quy định về diện tích quy hoạch, quy mô xây dựng; 100% nhà văn hóa xã được trang bị đầy đủ trang thiết bị hoạt động; 837/877 thôn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 95,43%, trong đó 692/837 thôn có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn theo quy định về diện tích quy hoạch. Đến hết năm 2020, có 108/111 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.
 
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn các xã đã có 26/88 chợ nông thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, với tổng vốn đầu tư khoảng 66,4 tỷ đồng bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, dự án Lifsap và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, mạng lưới cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình kinh doanh tại vùng nông thôn đáp ứng được nhu cầu thương mại, giao dịch, trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Đến nay, có 100% xã đạt tiêu chí về hạ tầng thương mại nông thôn. Toàn bộ 111/111 xã có các điểm phục vụ viễn thông, internet, hệ thống truyền thanh cơ sở, tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng...
 
Cơ sở vật chất trường học các cấp trên địa bàn các xã cũng được quan tâm đầu tư xây dựng để đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Toàn tỉnh có 636 trường mầm non, phổ thông công lập các cấp; trong đó, có 393 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, có 106/111 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất trường học (đạt 95%).
 
Với những kết quả trên, có thể nói rằng, kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh thời gian qua đã được quan tâm đầu tư đúng mức, các công trình trọng điểm được bố trí vốn và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ cùng với sự góp sức đồng lòng của người dân đã góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển và tạo nên sự thay đổi lớn đầy sức sống cho nông thôn Lâm Đồng.
 
NGUYỄN NGHĨA