Những năm qua, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay, việc trồng xen cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp giúp người dân sản xuất nông nghiệp ổn định, được địa phương Di Linh chú trọng. Qua đó, toàn huyện phủ xanh trên 1.500 ha, giúp tăng tỷ lệ che phủ rừng của huyện.
|
Trồng xen cây mắc ca trên đất lâm nghiệp giúp người dân sản xuất nông nghiệp nhiều lợi ích |
Thống kê của ngành Kiểm lâm hiện nay, địa bàn huyện Di Linh đất quy hoạch lâm nghiệp trên 92.000 ha, trong đó đất có rừng gần 83.000 ha, như vậy là còn hơn 8.500 ha đất lâm nghiệp chưa được phủ lên màu xanh của rừng. Theo kết quả rà soát của huyện, tổng diện tích đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp là 7.565 ha. Hiện trạng diện tích đất bị lấn chiếm này chủ yếu được người dân trồng hoa màu, cà phê...
Nhằm từng bước tạo độ che phủ rừng, huyện thực hiện việc trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tuyên truyền, vận động, triển khai ngay các giải pháp trồng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp theo Đề án 1836 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 6/4/2021 của UBND huyện về thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kết quả, năm 2021, các đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm đã trồng xen được 480 ha cây lâm nghiệp trên đất rừng bị lấn chiếm, bao gồm các loại cây mắc ca, dổi, mùng đen, sao… Luỹ kế từ năm 2016 đến nay, triển khai trồng được 1.553 ha rừng trên địa bàn huyện, trong đó có 1.072 ha rừng được trồng trong giai đoạn 2018 - 2020.
Một trong những đơn vị đang triển khai đề án trồng xen cây lâm nghiệp ở Di Linh đạt hiệu quả là Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH)Hoà Bắc - Hoà Nam. Ông Lê Trọng Luận, Trưởng Ban QLRPH Hoà Bắc - Hoà Nam cho biết, trước khi triển khai trồng xen, đơn vị phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, vận động lợi ích của việc trồng xen, tiến hành giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng trạm BVR, đồng thời, đến tận từng thôn, từng hộ điều tra cụ thể đất sản xuất đang giáp ranh đất lâm nghiệp, sau đó thống nhất ranh giới và phối hợp với xã cùng cắm mốc. Qua đợt triển khai trồng, trên diện tích đơn vị quản lý đã phủ xanh được trên 453/653,6 ha được giao, riêng năm 2021 được 105 ha đạt 105% kế hoạch của năm.
Khi mới có chủ trương trồng xen cây lâm nghiệp, do chưa hiểu được tầm quan trọng của việc này nên bà con trồng theo kiểu đối phó. Nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng, bà con ai nấy cũng phấn khởi, tự mua cây giống về trồng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đạt, Thôn 11, xã Hoà Bắc chia sẻ: “Trước khi đề án trồng rừng của huyện được thực hiện, tôi đã qua tận Đắk Nông để tham quan mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, thấy bên đó người ta trồng cây mắc ca cho thu nhập cao, nên đã mua cây giống về trồng trên diện tích 1,5 ha cà phê của gia đình. Khi đề án ra đời mang tính pháp lý, gia đình tôi tiếp tục yên tâm sản xuất. Năm này là năm thứ 5 mắc ca bám rễ nơi đây và đã bắt đầu cho thu trái. Chúng tôi mong muốn được góp sức phủ xanh những khoảnh rừng bị phá, vì đã hiểu rõ lợi ích của rừng đối với cuộc sống lâu dài. Theo tính toán, khi trồng rừng người dân sẽ yên tâm hơn trong việc sản xuất của mình, đồng thời, với diện tích hiện tại chỉ cần 1 năm nữa, cà phê cộng với mắc ca hiệu quả kinh tế sẽ rất cao”.
Tiếp nối thành công các năm trước, năm 2022, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 376/QĐ- UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạh trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng thực hiện, hoàn thành trong năm 2022. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh 130 ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp diện tích 120 ha, Ban Quản lý rừng Tân Thượng diện tích 100 ha, Ban QLRPH Hoà Bắc - Hoà Nam diện tích 100 ha. Hiện nay, các đơn vị đã triển khai tuyên truyền đến từng hộ dân và xây dựng phương án, kến hoạch trồng xen năm 2022.
Ông Tạ Đức Thứ - Hạt Phó Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh cho biết, đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp được triển khai nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp trên diện tích này, đồng thời, tăng độ che phủ rừng của địa phương. Bao gồm: rà soát lại 3 loại rừng, phân định rõ quy hoạch đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp. Những diện tích đã xây dựng nhà ở, sản xuất ổn định thì đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để địa phương quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Trong khi đó, diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thì thu hồi, vận động người dân chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp hoặc trồng lại rừng. Đặc biệt, từ khi đề án 2191 của UBND huyện “Tăng cường quản lý rừng, ngăn chặn tình trạng xâm lấn rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và khôi phục phát triển rừng trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” ra đời, trong đó có chủ trương trồng xen cây lâm nghiệp đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Khi người dân triển khai thực hiện trồng rừng sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất sẽ yên tâm sản xuất nông nghiệp, thứ 2 cây rừng sẽ giúp chắn gió, giữ nước, và có thể thu hoạch ổn định nhất là cây mắc ca, dổi… giúp cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
HOÀNG YÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin